Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ
10 năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 1.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật. Đặc biệt, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra. Con số này tăng hơn 3 lần so với các năm trước.
Điểm nổi bật trong thời gian qua là công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đúng quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong 10 năm, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.8 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đặc biệt thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...
Đáng lưu ý, thời gian gần đây, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, tất cả các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên...
Đồng thời, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực". Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch; nhiều vấn đề tồn tại trước đây trong công tác cán bộ đã được chỉ đạo giải quyết; "chống chạy chức, chạy quyền" đã trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ. Kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Trong 10 năm qua, đã có 8.445.300 lượt người kê khai tài sản (đạt 99,5%). Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra việc công khai, minh bạch tại 78.108 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh 1.0 đơn vị vi phạm. Cả nước hiện có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động; hơn 90% giao dịch nộp thuế của doanh nghiệp được thực hiện qua ngân hàng; 42% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 42% số người hưởng và 39% số tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trong toàn quốc chi trả qua tài khoản cá nhân.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới
Qua 10 năm, dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. Vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục.
Đặc biệt ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực.
Các cơ quan nội chính, kiểm tra của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được củng cố, kiện toàn, phối hợp ngày càng chặt chẽ, kịp thời, thực sự phát huy vai trò nòng cốt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Hiện các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Tính đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Nói về chặng đường 10 năm qua, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản của những kết quả đã làm được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó là sự gương mẫu, "nói đi đôi với làm" của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; là sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trước hết là kiểm tra Đảng, nội chính, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương. Kết quả này có được là sự kế thừa, tiếp nối của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiên trì, bền bỉ của nhiều nhiệm kỳ trước đây.
Đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, báo chí và toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh tới vai trò vô cùng quan trọng của người đứng đầu và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, của nhân dân và báo chí, sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt. Đây là chỗ dựa vững chắc, đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn - là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua - đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định.
Đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá, nếu không có quyết tâm, không có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự đồng lòng thống nhất cao, sự nêu gương của cả tập thể Ban Chỉ đạo thì chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không đạt được kết quả như vừa qua. Theo đồng chí Phan Đình Trạc, đây là bài học rất quý mà chúng ta rút ra từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua. Sự quyết tâm, quyết liệt của Ban Chỉ đạo thể hiện ở sự kiên trì, kiên quyết "không dừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" và không chịu bất kỳ sức ép của cá nhân, tổ chức nào không trong sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo. "Quyết tâm, quyết liệt ấy thể hiện thời gian vừa qua, chúng ta đã kiên quyết xử lý 170 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 37 cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Bộ trưởng, Thứ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao như vừa qua. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu, rất đau xót khi phải xử lý kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật, vì niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, cho nên buộc phải làm và đây là quyết tâm rất lớn của đồng chí Tổng Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vừa qua trong xử lý tham nhũng, tiêu cực"- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu rõ.
Nhắc tới vai trò to lớn của Nhân dân, đồng chí khẳng định "sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, chúng ta phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành "những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp như Bác Hồ đã từng dạy".
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Để đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 dự kiến sẽ được Bộ Chính trị tổ chức ngày 30/6/2022. Tại Hội nghị sẽ quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.