Theo luật sư Phạm Văn Viện, Quy định số 132-QĐ/TW là chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự thấu đáo, tầm nhìn sâu rộng của Bộ Chính trị đối với một lĩnh vực đang được Đảng, nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Quy định đã điều chỉnh một cách toàn diện, cụ thể hóa về nhiệm vụ, trách nhiệm, hành vi được làm, hành vi bị nghiêm cấm của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, cơ quan, người có thẩm quyền và cả những người thân thích, người có quan hệ gia đình của những người đang thực hiện nhiệm vụ được giao phó; qua đó giúp đối tượng áp dụng gương mẫu thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tự nhận biết, tự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, trường hợp mắc phải những hạn chế, thiếu sót thì tự soi, tự sửa chữa khắc phục hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy định cũng đề cao vai trò giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân, qua đó kịp thời phát hiện những hành vi sai trái, đấu tranh với những biểu hiện, hành vi tiêu cực, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tránh những oan sai, thiếu sót trong hoạt động tố tụng, công tác bổ trợ tư pháp, giảm thiểu những tố cáo, khiếu nại phức tạp, kéo dài.
Khi đọc và nghiên cứu Quy định, ông Lê Hồng Thông, một đảng viên sinh sống tại thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) nhận thấy, các hành vi được đề cập trong Quy định đều được áp dụng chặt chẽ và rất sát với thực tế xã hội vừa qua. Các cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được trao nhiều quyền lực, quá trình thực thi quyền lực có tính độc lập cao, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực thì nguy cơ lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này là rất lớn. Vì vậy, ông Thông hy vọng những hành vi sai trái được nêu trong Quy định 132-QĐ/TW sẽ chịu hình thức kỷ luật cao nhất để có thêm hình thức xử lý những cá nhân sai phạm, tăng niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Đang sống và làm việc tại tỉnh Bình Dương, đảng viên Nguyễn Văn Tú (phường Chánh Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một) đánh giá rất cao việc việc Quy định đã đưa ra một danh sách cụ thể về các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, bao gồm việc can thiệp, cản trở, che giấu làm sai lệch cho tới nhục hình, bức cung, liên hệ không đúng quy định với người bị buộc tội, phạm nhân…
Tuy nhiên, hiện nay các sai phạm trong hành vi, vụ án trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án rất ít khi được công khai, đây cũng là lĩnh vực khó để người dân có thể theo dõi và giám sát. Dẫu biết, các hoạt động tư pháp là hoạt động chuyên ngành, nhiều vụ việc người ngoài không nắm được nên nhiều khi có dư luận nhưng sự thật lại không đúng như vậy. Cơ quan, người có thẩm quyền cần có cách tiếp cận đặc thù trong tiếp nhận ý kiến dư luận. Ông Tú hy vọng sắp tới sẽ có một tổ chức giám sát có hiệu quả theo thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và giám sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri về hoạt động này.