Kỳ họp thứ 6, tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về hai nội dung quan trọng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến thảo luận ở tổ của các đoàn: Hà Tĩnh, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN.
|
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về một số nội dung cơ bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội. Nhiều nội dung đã được chỉnh lý hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) thể hiện sự đồng tình cao với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ban soạn thảo. Theo đại biểu có 5 nội dung cơ bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đạt được đó là việc khẳng đ ịnh rõ r à ng hơn về chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân , thể hiện ở dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.
Đại biểu đánh giá Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã hoàn thiện hơn về thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, trong đó có việc phân công quyền lực rạch ròi hơn giữa 3 quyền : lập pháp, hành pháp và tư pháp . Đại biểu đánh giá quyền con người , quyền công dân được bảo đảm trong dự thảo , được hiện thực hóa và có khả năng luật hóa để đi vào cuốc sống; đồng thời các thiết chế trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân theo xu hướng dân chủ hơn, trách nhiệm nhà nước được tăng cường hơn so với mối quan hệ đối với công dân ...
Bàn về Lời nói đầu của Hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Lời nói đầu cần phải đảm bảo ngắn gọn, có sự tổng kết, cô đúc, khái quát và đặc biệt phải chuẩn xác . Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có ưu điểm so với trước là ngắn gọn, xúc tích hơn , nhưng chuẩn xác và hay thì chưa đạt.
Dẫn chứng cụ thể Lời nói đầu có đoạn viết “Từ năm 1930, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ..." , Tổng Bí thư cho rằng, viết như trên không ổn về mặt khoa học, lý luận chưa chặt chẽ. Cần thay cụm từ “năm 1930” bằng cụm từ “trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng” hoặc “trong suốt 80 năm qua” sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với đa số nội dung đã được ban soạn thảo tiếp thu và giải trình, đặc biệt là các nội dung về chương Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chương về bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội...
Bàn về nội dung chính quyền địa phương nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; tán thành với dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Dự thảo.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Quyền còn băn khoăn về thuật ngữ “chính quyền địa phương”; đề xuất thay cụm từ “chính quyền địa phương” bằng cụm từ “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tổ chức ở các đơn vị hành chính”.
Cũng về nội dung này, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng cần có tổng kết, so sánh trước và sau khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền địa phương, chính quyền đô thị. Mô hình nào làm tốt sẽ chọn nhân rộng chứ không làm tràn lan trên diện rộng.
Nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung chế định Hội đồng bầu cử Quốc gia, thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, thể chế hóa một trong những chủ trương của Đảng là “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…”; “nghiên cứu, bổ sung một số thiết chế độc lập như cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cơ quan bầu cử quốc gia” . Có ý kiến cho rằng việc bổ sung thêm chế định này rất cần thiết vì liên quan đến chế định quan trọng là dân chủ đại diện. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét, cân nhắc thêm về nội dung này.
Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013 ). Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) có nhiều thay đổi về nội dung và có điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan nhà nước. Để thực hiện một số quy định mới của Hiến pháp và những nội dung được thay đổi, điều chỉnh trong Hiến pháp, cần có những quy định vừa bảo đảm chuyển tiếp, vừa bảo đảm tính ổn định, liên tục của bộ máy nhà nước; đồng thời, phải có một thời gian nhất định để rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp...
Mặt khác, để đảm bảo cho Hiến pháp được quán triệt và thi hành đầy đủ, đúng đắn, phù hợp với lộ trình hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Hiến pháp và tổ chức thi hành Hiến pháp, đảm bảo cho Hiến pháp được thực hiện nghiêm chỉnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn sửa đổi và thi hành các Hiến pháp trước đây. Thực tế cho thấy, sau khi các Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992 được thông qua, Quốc hội đều ban hành Nghị quyết quy định một số điểm về việc thi hành Hiến pháp nhằm đảm bảo sự ổn định, liên tục của bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật trong giai đoạn chuyển tiếp thi hành giữa Hiến pháp mới và Hiến pháp hiện hành.
Quỳnh Hoa - Khiếu Tư