Nhiều sai phạm về quản lý đất đai tại thành phố Phan Thiết, Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại địa bàn thành phố Phan Thiết. Theo đó, nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại địa bàn thành phố Phan Thiết đã được phát hiện.

Theo kết luận thanh tra số 1696/KL-UBND ngày 16/5/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận, công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Phan Thiết từ đầu năm 2016 đến tháng 9 năm 2018 còn nhiều hạn chế, sai phạm như: UBND thành phố Phan Thiết có biểu hiện tùy tiện trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt. Điều này dẫn đến các sai phạm có hệ thống như cho phép các hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn có diện tích lớn (khoảng 1.000 m2 đất trở lên) nhưng không thực hiện việc thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, không đúng theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố đã được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, các hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, sau đó thực hiện thủ tục hợp thửa, tách thửa, tự san lấp mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng và phân lô bán nền đất ở nông thôn, hình thành các điểm dân cư mới không đúng tiêu chuẩn về xây dựng, không phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã.

UBND thành phố Phan Thiết từ đầu năm 2016 đến tháng 9 năm 2018 đã quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn đối với 139 thửa đất tổng diện tích 176.815 m2 trên địa bàn xã Tiến Lợi, xã Thiện Nghiệp, xã Phong Nẫm, không đúng quy hoạch, trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai (Điều 52 Luật Đất đai năm 2013). UBND thành phố Phan Thiết cố ý, tùy tiện làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định (xác định vị trí thửa đất trước khi chuyển mục đích, thay đổi, điều chỉnh thông tin bất thường, luôn xác định thấp hơn quy định) gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Sở Tài nguyên và Môi trường khi cho tách thửa đất ở nông thôn đã không kiểm tra nên không phát hiện việc UBND thành phố Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn trái quy định, dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân lợi dụng việc cơ quan có thẩm quyền cho tách thửa đất ở trên diện tích được chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định; phân lô nền đất, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn rất nhiều trên địa bàn các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi. Các cá nhân chuyển nhượng đất ở nộp tiền sử dụng đất thấp hơn so với quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Kết luận thanh tra nêu rõ: Việc UBND thành phố Phan Thiết cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn trái với các quy định pháp luật, làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tiến Lợi, xã Thiện Nghiệp, xã Phong Nẫm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với việc UBND thành phố Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815 m2 trái quy định pháp luật và Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan có thẩm quyền) cho tách thửa đất ở trên các thửa đất này không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Những hạn chế, sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Phan Thiết, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết, Chi cục Thuế thành phố Phan Thiết, UBND các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trên cơ sở kết luận thanh tra nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục điều tra dấu hiệu về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan, các địa phương kiểm tra xử lý nghiêm đúng quy định các trường hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bê tông xi măng... trái phép trên đất nông nghiệp, hình thành điểm dân cư mới không đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, không phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các xã; xác định lại chính xác vị trí thửa đất trước khi cho chuyển mục đích sử dụng đất đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có những hạn chế, sai phạm được nêu trong kết luận này.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Nhiều bất cập trong quản lý đất đai, xây dựng trên huyện đảo Kiên Hải
Nhiều bất cập trong quản lý đất đai, xây dựng trên huyện đảo Kiên Hải

Kiên Hải là huyện đảo của tỉnh Kiên Giang có 23 đảo nổi lớn nhỏ; trong đó, 11 đảo có dân sinh sống với 4 đơn vị hành chính gồm 4 xã (Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du), có diện tích tự nhiên 2.459,79 ha. Trong số này, đất rừng phòng hộ chiếm 52,3% diện tích với dân số hơn 20.750 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN