Năm 1969, khi tôi được chuyển từ Phân xã Hòa Bình (nay là cơ quan Thường trú TTXVN tại Hòa Bình) về CQTT TTXVN tại Nam Hà thì anh Lê Sơn đã chuyển sang CQTT TTXVN tại Thái Bình, thỉnh thoảng, tôi vẫn sang Thái Bình thăm anh và ngược lại anh cũng về lại làng Vũ Đại, xã Nhân Hậu huyện Lý Nhân, nơi sơ tán của cơ quan Thường trú TTXVN tại tỉnh Nam Hà thăm chúng tôi. Tuy nhiên, việc phối hợp nghiêp vụ giữa chúng tôi thực sự diễn ra là vào năm anh thường trú tại Bắc Kinh (1998-2001).
Hồi ấy, tôi có duyên may được tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Trung Quốc. Anh Lê Sơn ra tận sân bay Bắc Kinh đón tôi - đặc phái viên TTXVN Trần Đình Thảo và phóng viên ảnh Nguyễn Dân. Tin tức, hình ảnh hoạt động của Thủ tướng và phu nhân Nguyễn Thị Sáu được chuyển về Tổng xã kip thời. Tiếc là vì nhiều lý do, anh không cùng đoàn đến Tứ Xuyên - nơi khởi phát của nhà Hán với Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi...
Sau này gặp lại nhau ở Tổng xã, chúng tôi nhớ lại mấy ngày ở Điếu Ngư Đài cùng đi làm tin Thủ tướng Phan Văn Khải hoạt động ở Bắc Kinh. Tôi hỏi anh về ý định dịch sách văn học Trung Quốc. Anh cho biết đã tiệm cận được Thiết Ngưng, cây bút ngoài đảng độc lạ ở văn đàn Bắc Kinh với tiểu thuyết Người đàn bà tắm... để mở đầu cho gần 30 tiểu thuyết của các nhà văn Trung Quốc được Sơn Lê chuyển ngữ thành công.
Nhà báo Lê Sơn - nhũ danh là Lê Hùng Sơn, sinh ngày 18 tháng 4 năm 1937, tại Ân Thi, Hưng Yên, trong một gia đình có truyền thống cách mạng.
Sau hoà bình lập lại, chàng trai Lê Hùng Sơn được theo học lớp phiên dịch tiếng Trung và trở thành phiên dịch viên của Bộ Công nghiệp nhẹ. Anh đã có mặt trên nhiều công trình công nghiệp lớn của đất nước trong đó có Nhà máy dệt 8-3, Nhà máy Nhựa Hải Phòng do Trung Quốc giúp ta xây dựng.
Duyên may nghề nghiệp, năm 1965, anh được chuyển về TTXVN và theo học Lớp đào tạo phóng viên khoá 6 (1965-1966). Tốt nghiệp, chàng phiên dịch viên trở thành phóng viên TTXVN thường trú, rồi là Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Nam Hà, Thái Bình ...
Sau hai năm tham gia đoàn chuyên gia của TTXVN giúp bạn Campuchia, nhà báo Lê Sơn về công tác tại Báo Ảnh Việt Nam. Trong hơn 10 năm làm việc tại Báo Ảnh Việt Nam, với chức danh Trưởng phòng biên tập, Thư ký Toà soạn, Ủy viên Ban Biên tập, nhà báo Lê Sơn đã góp phần xây dựng Báo Ảnh Việt Nam trở thành ấn phẩm đối ngoại hàng đầu của Việt Nam với các ấn bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Lào, tiếng Campuchia…
Năm 1991, TTXVN xuất bản tờ báo Tin tức buổi chiều, nhà báo Lê Sơn được bổ nhiệm là Phó Tổng Biên tập thường trực và sau đó là Tổng biên tập. Với ấn phẩm độc lạ đầu tiên của TTXVN, Tin tức buổi chiều đã lấp đầy khoảng thông tin từ nửa đêm về sáng đến giữa trưa ngày hôm sau, được độc giả cả nước đón nhận một các thích thú, tin cậy. Thành công ấy có đóng góp rất quan trọng của nhà báo Lê Sơn và các đồng nghiệp lớp đầu tiên của báo Tin tức buổi chiều.
Tháng 8 năm 1998, nhà báo Lê Sơn được đặc cử làm Trưởng cơ quan Thường trú TTXVN tại Bắc Kinh - Trung Quốc. Đây là thời kỳ nhà báo Lê Sơn phát huy sở học Hán ngữ. Ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ thông tin, nhà báo Lê Sơn có điều kiện tiếp cận với các tác giả, tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại, đặc biêt là khuynh hướng hiện thực phê phán trong trào lưu sáng tác tiểu thuyết Xã hội ba đào truyện.
Ham học hỏi, quyết tâm cao và thực tiễn sôi động của đời sống xã hội đã rèn luyện nhà báo Lê Sơn trở thành một phóng viên năng động, vững vàng trên nhiều lĩnh vực, một biên tập viên tin cậy của TTXVN. Các tác phẩm dịch thuật của dịch giả Sơn Lê được đông đảo bạn đọc đón nhận. Lý thú nhất là trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, nữ nhà văn ngoài Đảng Thiết Ngưng đã tìm gặp bằng được dịch giả Sơn Lê tại Hà Nội, nhằm thể hiện lòng biết ơn một nhà báo Việt Nam – người có công bắc nhịp cầu giao lưu Văn hóa Trung - Việt, động viên dịch giả Sơn Lê tiếp tục chuyển ngữ các tác phẩm văn học đương đại của Trung Quốc phục vụ độc giả Việt Nam.
Về hưu, ông vẫn cộng tác với Báo Ảnh một thời gian trong vai trò biên tập viên và tiếp tục dịch văn học Trung Quốc cho nhiều nhà xuất bản. Được biết, dịch giả Sơn Lê đã chuyển ngữ thành công khoảng 30 tác phẩm văn học đương đại nổi tiếng của Trung Quốc.
Khép lại cuộc đời 86 tuổi với trên 50 năm cống hiến cho sự nghiệp phiên dịch, báo chí, dịch thuật của một người con đất Hưng Yên, nhà báo Lê Sơn là tấm gương yêu nghề, tâm huyết với văn hóa Trung Hoa. Ông không bao giờ bàn lùi dù biết sẽ rất khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao và luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Về già, cụ Lê Sơn là người sống thẳng thắn, nghĩa tình với mọi người, được anh em đồng nghiệp, độc giả và cư dân khu tập thể TTXVN Thọ Lão quý trọng, nể vì.
Cả cuộc đời vì sự nghiệp báo chí, ông đã được trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tiễn đưa đồng nghiệp Lê Sơn về cõi vĩnh hằng, chúng tôi nhớ mãi về một người trung thực, tử tế, cần mẫn- một nhà báo thuộc lớp cha chú, đàn anh của nhiều thế hệ phóng viên Tin Trong nước TTXVN, Báo Ảnh Việt Nam, Báo Tin tức, một đồng nghiệp thân thiết, khả kính.
Xin vĩnh biệt nhà báo Lê Sơn - dịch giả lão thành Lê Sơn!