Trong cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có dịp gặp gỡ với rất nhiều người dân ở mọi miền đất nước và bất cứ ai cũng đều có những kỷ niệm rất sâu sắc với Đại tướng, có lẽ cũng bởi, Người chính là vị "Đại tướng của nhân dân".
Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc, đã có bài viết về kỷ niệm của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dịp Đại tướng về dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Tin Tức xin được trân trọng giới thiệu bài viết này.
Đó là những ngày cuối tháng 8 năm 1995, trước Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, do Trung ương tổ chức, diễn ra ngày 2/9/1995, tại quảng trường Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - nơi Bác Hồ cùng Trung ương đã làm việc tại nơi đây.
Tôi vinh dự được tham gia trong Ban phục vụ và bảo vệ Lễ kỷ niệm. Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Tân Trào, chúng tôi hồi hộp chờ đón Đại tướng dưới gốc cây đa Tân Trào.
Đúng 9 giờ sáng ngày 30/8/1995, đoàn xe đưa đón Đại tướng đã có mặt, cánh cửa xe mở, đồng bào ồ lên: “Bác Giáp, Bác Giáp”… Những cụ già năm xưa đã từng được giao nhiệm vụ cảnh giới phục vụ Trung ương Đảng, phục vụ Đại tướng, nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt tràn xuống hai bên gò má nhăn nheo của các cụ trong niềm vui sướng hân hoan như đón chào một người anh, người cha đi công tác lâu năm về thăm gia đình.
Cuộc trò chuyện của Đại tướng với lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và đồng bào Tân Trào dưới gốc đa Tân Trào, diễn ra trong khoảng 30 phút. Đại tướng ân cần hỏi thăm các cụ lão thành cách mạng, đồng bào các dân tộc, cán bộ chiến sĩ có mặt trong buổi đón tiếp hôm đó. Sau đó, Đại tướng tiến đến gốc cây đa và đi vòng quanh cây đa, chúng tôi cùng đi theo Đại tướng và dừng lại, Đại tướng dặn dò: “Đây là cây đa lịch sử, tại gốc cây đa này tôi đã đọc quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay). Tuổi thọ của cây cũng có giới hạn, các đồng chí phải có biện pháp để chăm sóc kéo dài tuổi thọ, đồng thời cần có hướng trồng ghép cây non vào khe gốc để thay thế, cho cây trường tồn mãi mãi”. Chúng tôi như nuốt từng lời Đại tướng dặn dò...
Điểm dừng chân tiếp theo của Đại tướng là lán Nà Lừa - nơi Bác Hồ từng làm việc và một số di tích tích khác. Tại lán Nà Lừa, chúng tôi đứng xung quanh lán, cô hướng dẫn viên thấp thỏm định xin không giới thiệu. Nét mặt sợ sệt và mồ hôi lấm tấm trên trán cô hướng dẫn viên, vì cô sợ trước mặt Đại tướng là nhân chứng lịch sử, nếu giới thiệu mà sự hiểu biết về lịch sử chưa kỹ lưỡng, tường tận thì sẽ ra sao? Thấy vậy, Đại tướng cười và ân cần nói: “Cháu cứ giới thiệu như hàng ngày đón các đoàn khách, có gì bác sẽ nói thêm”. Cô hướng dẫn viên bình tĩnh lại và bắt đầu bài giới thiệu của mình. Và sau đó, Đại tướng xúc động nghẹn ngào nói thêm về những ngày làm việc và về sức khỏe của Bác Hồ lúc ấy. Mọi người trong đoàn đi theo Đại tướng lặng đi, nhìn nhau qua hai hàng nước mắt. Cả núi rừng Tân Trào dường như cũng im lặng theo...
Chia tay với Đại tướng tại cây đa Tân Trào, đoàn phục vụ chúng tôi không nén được xúc động, ai cũng có những tình cảm giống nhau, nhìn Đại tướng lên xe và dõi theo đoàn công tác khuất núi ra Thị xã Tuyên Quang, chúng tôi cảm thấy trong lòng mình bị hẫng hụt đi một điều gì đó mà không thể diễn tả được.
Bao năm đã trôi qua, nhưng những lời dặn dò của Đại tướng vẫn mồn một trong tâm trí tôi. Và giờ đây, cây đa Tân Trào vẫn khỏe mạnh, xanh tươi bốn mùa...
Ngày 5/10/2013 khi nghe thông cáo đặc biệt báo tin Đại tướng từ trần, tôi thấy lòng tiếc thương vô hạn. Những hình ảnh đón Đại tướng tại Tân Trào năm 1995 lại hiện lên trong tôi. Sáng, chiều mỗi ngày bốn lượt, tôi đều đi qua nhà riêng của Đại tướng, nhìn dòng người đến thắp hương cho Đại tướng, tôi muốn òa lên khóc để vơi đi nỗi đau buồn. Đêm về khuya, không ngủ được tôi lại dậy bật ti vi xem các kênh nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân, của đồng bào các dân tộc thiểu số mà cảm thấy thời gian cũng như dung lượng thông tin đối với riêng mình về Người không bao giờ là đủ.
Tôi tin chắc rằng, hình ảnh và những lời răn dạy của Đại tướng sẽ còn sống mãi trong trái tim mỗi người dân đất Việt.
Xin vĩnh biệt Đại tướng!
Chu Tuấn Thanh