Mặc dù ông trẻ tôi Vũ Văn Hồ đã mất từ 40 năm trước (năm 1971), nhưng những ký ức về ông vẫn còn sống động trong tôi.
Ông nội tôi có 4 anh em trai, nhưng tôi chỉ biết có ông nội tôi, thường được gọi là ông Hai Tế và ông trẻ tôi, ông Vũ Văn Hồ, thường được gọi là ông Ba Hồ, vì ông Cả và ông Tư đã mất từ trước đó.
Ông trẻ tôi Vũ Văn Hồ chính là một trong 7 đảng viên trong chi bộ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên, được thành lập tại thôn Sài Thị, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu. Chi bộ này được thành lập từ năm 1928, ban đầu mang tên Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Sài Thị, tới cuối năm 1929 được đổi tên thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, gồm các đồng chí Đào Ngọc Đoán, Trần Đình Ấn, Nguyễn Ngọc Cửu, Chu Đình Vọng, Vũ Văn Hồ, Nguyễn Khắc Cần, Nguyễn Khắc Chuyên, với đồng chí Đào Ngọc Đoán làm bí thư.
Đến ngày 3/2/1930, sau khi hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương) thì chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Sài Thị cũng được đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ. Giờ đây, bên gốc đa Sài Thị, một tấm bia đã được dựng lên để tôn vinh những bậc tiền bối trong chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Hưng Yên, bởi vì sự xuất hiện của chi bộ đảng ở Sài Thị đã đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong phong trào cách mạng ở huyện Khoái Châu và tỉnh Hưng Yên.
Sau khi phong trào cách mạng ở tỉnh Hưng Yên lan rộng, quân Pháp và chính quyền địa phương đã tung mật thám dò xét, vây ráp, bắt bớ cán bộ và các quần chúng tích cực. Nhiều cán bộ cốt cán trong chi bộ đã bị địch bắt, tù đày, tra tấn dã man, trong đó có ông Vũ Văn Hồ.
Lúc sinh thời, có lần ông trẻ tôi kể, khi bị địch bắt và bỏ đói, ông đã từng phải ăn thạch sùng sống để sống sót và tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi đó, chúng tôi còn nhỏ quá nên ông ít kể chi tiết về những ngày trong lao tù.
Mặc dù vào sinh ra tử, có nhiều công lao như vậy, nhưng ông Ba Hồ luôn là một người khiêm tốn, giản dị và rất mực liêm khiết. Ông không bao giờ lên tiếng đòi hỏi sự đãi ngộ của Nhà nước đối với mình. Sau khi hòa bình lập lại, ông trở về quê làm ruộng. Trong cuộc sống hàng ngày, ông thường tự chọn phần thiệt cho mình. Khi đó, vào thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ trước, hàng hóa vô cùng khan hiếm. Hàng hóa do hợp tác xã mua bán mang về xã cũng không đủ để phục vụ cho tất cả mọi người. Khi mua, thấy ông chọn một thứ hàng bị lỗi, mẹ tôi hỏi thì được ông trả lời: "Đằng nào cũng có người phải dùng thứ hàng có lỗi đó, thì mình lấy cũng được. Mình là đảng viên, chịu thiệt một chút cũng không sao!".
Khi còn bé, mỗi lần được về quê, chúng tôi rất thích sang nhà ông, nghe ông kể chuyện xưa và ngủ lại với các chú. Khi đó, nhà ông rất nghèo. Mùa đông, nhà không đủ chăn nên mấy chú cháu xuống bếp rải rơm ra nằm và đắp chiếu. Trời rét, nhưng tình ông cháu, chú cháu thật ấm áp. Hàng ngày, chúng tôi thường theo ông ra ruộng để xem ông tưới xu hào, bắp cải. Đối với bọn trẻ con Hà Nội chúng tôi thì những công việc đó thật lý thú. Ông thường dạy chúng tôi "Đói cho sạch, rách cho thơm". Ông không bao giờ tự ti về cái nghèo của mình, vả lại khi đó cả nước nghèo chứ đâu có riêng ai.
Khi bắt đầu thành lập HTX nông nghiệp, ông vào ngay và vận động bà con trong họ, trong thôn cùng vào. Trong quan hệ với bà con họ hàng, hàng xóm láng giềng, ông rất tình cảm. Nhưng ông cũng rất thẳng tính, không chịu luồn cúi một ai, nếu có anh cán bộ huyện, cán bộ xã nào làm gì chướng tai, gai mắt là ông phê bình luôn. Tuy nhiên, ông cũng nói một cách có tình, có lý, với phong thái đĩnh đạc, nên người bị phê bình cũng phải cảm phục và nể sợ.
Với tình cảm chân tình, luôn quan tâm săn sóc tới mọi người, khi xử lý công việc và các mối quan hệ, ông rất công bằng nên ông được đông đảo mọi người trong xã, trong huyện rất kính trọng, yêu mến. Có việc gì khó xử, họ thường tới hỏi ý kiến ông.
Dưới con mắt của chúng tôi, ông Ba Hồ là hình mẫu của một người cộng sản chân chính.
Vũ Long