Không một ai hề hấn gì dẫu hơn một lần suýt dính bom.
Đó là đêm 19/12, tôi cùng lái xe Đào Đắc Phòng vượt cầu phao Hàm Tử Quan trong chớp lửa, khi không quân Mỹ nhòm ngó cầu Long Biên và cầu phao Hàm Tử...
Đó là vào sáng 26/12, tôi và Nam Minh vào Mễ Trì bị hút chết vì máy bay Mỹ ném bom trở lại địa bàn trọng điểm phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có những kỷ niệm thật khó quên: Về An Dương sau trận bom xem nhà Ngọc Quán có sao không? Căn nhà quen thuộc giờ chỉ là đống gạch bên hố bom; Xuống Phương Liệt bắt giặc lái khi nó lóp ngóp mép hố bom, còn kịp quát “hen-xấp, gâu” với tên phi công Jeam Kook, đại uý hoa tiêu, vớ được cả khẩu súng cùng 7 viên pháo hiệu và hộp đồ ăn to bằng cuốn từ điển khiến tôi hơn một lần lăn tăn vì e nó là hộp mìn. Mang về phòng trực đêm của cơ quan, Tổng biên tập Đào Tùng cầm lấy xem và bảo đây là đồ hộp của phi công. Khui ra thấy có lương khô, cà phê, bánh kẹo, thịt hộp, bột lọc nước và cả bao cao su. "Sếp" Đào Tùng bèn pha cà phê cho tôi và kíp trực uống khi đồng hồ chỉ 2 giờ ngày mới, sau khi bài tường thuật Hà Nội bắn rơi B52 và bắt sống giặc lái vừa phát báo...
Hay lần suýt bị bỏng vì chiếc B52 bị cháy rơi xuống làng hoa, rơi xuống giữa đường Hoàng Hoa Thám. Và đêm Khâm Thiên đẫm máu...
Nhớ lại hồi đó thật là tự hào vì mình đã "sống chết" vì nghề báo. Tôi làm báo mới có dăm năm, đâu có nhiều mẹo mực, kinh nghiệm. Có lẽ thành công lớn nhất là nhờ không… dát chết.
Nghĩ lại vẫn thấy, quái sao hồi đó mình “bạo” thế. Không ít lần phải tự tay lật vài thi thể nạn nhân chết vì bom bi cho phóng viên ảnh Ngọc Quán đặc tả tội huỷ diệt hoặc một mình giữa một dãy xác chết và sau đó là tiếng thét đến đứt ruột của một thiếu phụ mất cả chồng cùng bốn đứa con vì sập hầm. Không ít bài đã viết khi nước mặt nhoè kính cận, phải bặm môi nín đi tiếng nấc. Nhớ mãi lần đến Tiểu đoàn 77 ở Chèm cùng Văn Bảo. Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đinh Kiên, các trắc thủ Ngô Văn Linh, Mè Văn Thi, Nguyễn Xuân Đài đồng ý cho tôi vào cabin chỉ huy, tận mắt thấy trên màn hình rađa tín hiệu máy bay B52 bùng cháy và nghe tiếng rào rào của các viên bi tên lửa sơ-rai nổ gần xe, vướng vào nhưng cây tre nứa dựng xung quanh, bảo vệ cho xe chỉ huy... Đêm đó, Văn Bảo chộp được thời điểm rồng lửa Thăng Long diệt máy bay B52 ngay trong tầm Têlê. Bức ảnh quá đẹp, sẽ còn mãi... Và các bài tường thuật của anh em phóng viên trong những trận chiến thắng cũng vẫn còn mãi...
Hồi đó nhờ Trưởng phân xã Hoàng Tường Vân có ông xã là Chánh Văn phong Thành ủy và Hữu Cứu – phóng viên được “thường trú” bên Hội đồng Phòng không (HĐPK) thành phố Hà Nội, nên chúng tôi nắm được tin tức rất quan trọng: Có khả năng Mỹ sẽ đánh ra Hà Nội bằng B52. Chúng tôi lập tức báo cáo ngay với Tổng Biên tập Đào Tùng và Trưởng ban Biên tập Tin - Ảnh Miền Bắc Lê Châu.
Cả Phân xã đều sẵn sàng vào trận. Căn hầm chữ A đã được sửa sang. Vũ Như Chương làm thêm cuốn nhật ký chiến sự cho phân xã. Duy Nhân, Ngọc Quán lĩnh thêm phim. Tôi cũng kiếm được chiếc mũ sắt, chiếc măng tô vi ny lông màu sẫm và chiếc máy ảnh cà cộ có kính ngắm từ trên xuống.
Ở Tổng xã, Bộ Biên tập đã liên hệ với Tổng cục Chính trị xin được giấy giới thiệu cho Văn Bảo và một số phóng viên ảnh để đi đến các đơn vị phòng không, sẽ “kèm” phóng viên tin của phân xã.
Lúc này, các tay viết của phân xã là Trần Đình Thảo, Nam Minh, Vũ Như Chương. Đội quân ảnh nghe chừng phong phú hơn. Các tay máy có Têlê, động một cái là phóc lên nóc nhà 18 Trần Hưng Đạo rình chộp máy bay cháy. Bên “hậu cần”, chị Mai y sĩ có thêm cơ số thuốc, bông băng, cáng thương và căn hầm “ếch” ở 11 Trần Hưng Đạo thường tỏ ra chật chội mỗi khi ông Lê Châu ở nhà 11 kịp vào hầm khi máy bay cách Hà Nội 50km...
Cả Phân xã Hà Nội thường xuyên có mặt. Thi thoảng chỉ vắng một vài anh đảo về nhà làm bát cơm nguội, miếng mì sắn, rồi lại có mặt. Giữa các hồi còi báo động vẫn còn kịp làm vài ván “tiến lên” với cánh phóng viên ảnh tăng cường, chuyên trách tạt vào chơi...
Hồi này, cơ quan giao cho tôi làm tổ trường Tổ phóng viên chiến sự tạm thay chị Tường Vân nghỉ dưỡng thai khi mang bầu. Bao nhiêu kinh nghiệm viết ghi nhanh, phản ánh, điều tra tội ác, tường thuật bắn máy bay... tích cóp được ở Hoà Bình, Nam Định và gần 8 tháng ở Hà Nội, tôi đã lận sẵn chờ dịp. Tuy vậy, thực tình, tôi cũng chưa bao giờ hình dung cho tường tận tính chất ác liệt của chiến dịch này. Đôi ba lần nghe các anh ở chiến trường, ở khu 4 ra có nói đến B52 “xay thóc” suốt đêm, rải vệt bom cả trăm quả, kết hợp với lũ máy bay Thần sấm, Con ma cánh cụp cánh xòe đánh bom Lase... chúng tôi cũng không sao hình dung được việc Nixon dám cho B52 đánh vào Hà Nội.
Suốt mấy tháng, kể từ hôm 16/4 vào trận, đang ăn dở miếng cơm thì Nam Minh đánh xe đến nhà kêu đi ngay. Trận đầu, nay nhớ lại mà như còn bị ám ảnh bởi những đám cháy xăng ở Đức Giang, bởi những vẻ mặt nạn nhân vàng bệch vì mất máu lại lỗ chỗ vết bom bi, bởi những dãy xác chết được anh em dân quân chuyển ra ven đường gần kho xăng nổi tiếng này. Đôi dép nhựa Tiền Phong mới được ưu ái ở Nam Hà đã chảy nhoè ra vì dẫm vào sắt thép nóng bỏng ở Đức Giang. Nhớ mãi những lần hào hứng phấn chấn viết tường thuật các đơn vị 14 li 5, pháo 37 và pháo 57 và nhất là pháo 100mm bắn rơi máy bay phản lực từ tháng 4 đến tháng Chạp.
Chao ơi, niềm tin vào sức mạnh của Quốc phòng toàn dân, chiến tranh Nhân dân mới mãnh liệt làm sao! Khái niệm tuyệt vời ấy đã “góp phần” làm cho tin, bài thêm dậy lửa...
Đã tròn 45 năm rồi. Chiến tranh đã lùi xa. Bão lửa đã tắt. Nhưng những kỷ niệm thì không dễ gì quên được. Khoảnh khắc này, ký ức tháng Chạp 1972 lại ùa về...