Sự cố mất điện tại 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cuối tháng 5 vừa qua không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội mà còn là hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Việc giải quyết triệt để tình trạng vi phạm này hiện vẫn là bài toán khó, đặc biệt là ở các thành phố lớn, những nơi đông dân cư và lưới điện phát triển như ở thành phố Hà Nội.
Vi phạm hành lang lưới điện là một nguyên nhân phổ biến gây ra nhiều sự cố mất điện nghiêm trọng. Ảnh: Internet. |
Huyện Ba Vì là địa phương có nhiều điểm vi phạm hành lang lưới điện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong gần 50 điểm vi phạm thì hầu hết là các công trình xây dựng không đủ khoảng cách quy định với dây dẫn điện và trồng cây trong hành lang an toàn lưới điện.
Căn nhà của gia đình ông Vũ Văn Đức ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì là một điển hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Năm 2002, gia đình ông Đức xây căn nhà kiên cố mái bằng, rộng 60m2, thời điểm đã có đường dây điện 110kV chạy qua. Biết vậy, nhưng công trình nhà ông vẫn được khánh thành dù chỉ cách đường dây điện trần chưa đầy 2m. Mỗi khi có mưa gió to hoặc phải làm việc gì trên sân thượng ngôi nhà, mọi người trong gia đình rất lo lắng nhất là đối với trẻ nhỏ, không biết trèo lên sân thượng sẽ có nguy cơ rất cao bị phóng điện từ đường dây- ông Đức phân trần.
Một thực trạng khác, ở huyện Ba Vì đa phần đường dây 220 KV và 110 KV chạy qua các cánh rừng, vạt đồi. Tại đó có nhiều cây keo, bạch đàn cao hàng chục mét, mỗi khi mưa gió từ 7 cấp trở lên, hàng cây cứ ngả nghiêng như chực đổ ập xuống đường dây bất cứ lúc nào. Anh Nguyễn Quang Ngọc - công nhân Điện lực Ba Vì cho biết: Dù cây được trồng cách đường dây 110 KV từ 2m đến 4 m nhưng nếu đổ thì chắc chắn cây sẽ vắt ngang đường dây, gây chập, cháy điện. Mỗi khi mưa to gió lớn, công nhân chúng tôi ăn không ngon ngủ không yên, phải cắt cử anh em túc trực đường dây, để kịp thời xử lý mỗi khi sự cố xảy ra.
Trước thực trạng trên, ông Lưu Bách Chiến - Phó Giám đốc Điện lực Ba Vì khẳng định chính quyền địa phương có trách nhiệm chính trong việc xử lý những vi phạm. Bởi theo quy định, khi phát hiện vi phạm, ngành điện sẽ lập biên bản bàn giao cho địa phương giải quyết. Ông Chiến cho rằng, do chính quyền địa phương ở một số nơi còn nể nang, né tránh, nên vi phạm vẫn tồn tại như thể thách thức với sự an toàn của lưới điện. Ông Lưu Bách Chiến cho biết thêm: Chính quyền địa phương không vào cuộc giải tỏa vi phạm hành lang lưới điện triệt để, từ khi mới phát sinh, sẽ tạo gánh nặng chi phí cho ngành điện, vì mỗi lần phải cắt cử người phối hợp, hỗ trợ kinh phí để địa phương giải tỏa, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Toàn thành phố Hà Nội tồn tại trên 1.555 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trong đó có nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tài sản tính mạng của người dân, hoặc gây mất điện cục bộ tại một số nơi nếu xảy ra sự cố.
Năm 2012 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ việc từ vi phạm hành lang lưới điện. Điển hình có vụ 5 hộ gia đình, tại phố Lãng Yên quận Hai Bà Trưng, bị đường dây cao áp 110 kV Hoàng Mai - Trần Hưng Đạo phóng điện làm hư hỏng toàn bộ thiết bị điện trong gia đình. Rất may không có thiệt hại về người.
Ông Nguyễn Đăng Thiện - Phó Ban An toàn, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết: Hà Nội còn nhiều điểm vi phạm đặc biệt là xây dựng công trình kiên cố nằm trong hành lang an toàn lưới điện, từ nhiều năm nay chưa được giải quyết. Trong đó tập trung tại một số khu vực như: quận Long Biên, dọc đường Yên Phụ, khu Hào Nam...Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty đã phối hợp với chính quyền các cấp giải tỏa nhiều công trình, phấn đấu không để phát sinh mới vi phạm.
Mặt khác, trước khi vào mùa mưa bão, Điện lực Hà Nội đã chú trọng đến việc phát tờ rơi trên nhiều tuyến phố đông dân cư, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các địa phương về tiếp kiệm và sử dụng điện an toàn. Còn tại một số huyện miền núi, tổ chức phát quang, tỉa cành, chặt ngọn nhiều cây cao có nguy cơ đổ về phía đường dây. Đồng thời, bảo trì trạm biến áp, kiểm tra mối nối đường dây để tránh cắt điện từ sự cố đáng tiếc xảy ra khi mưa bão.
Đề cập đến mức độ vi phạm, ông Nguyễn Đăng Thiện cho rằng: Vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở Hà Nội đã ở mức hết sức nghiêm trọng là vấn đề nhức nhối trong quản lý an toàn hành lang lưới điện. Ông Thiện nhấn mạnh: khi sự cố xảy ra xuất phát từ những vi phạm hành lang, hậu quả sẽ rất khó lường. Thế nhưng có một thực tế hiện nay, chính quyền địa phương cũng như nhiều người dân còn thờ ơ, xem nhẹ tính mạng và tài sản của mình và xã hội, vẫn ngang nhiên xâm phạm hành lang lưới điện, dù nhiều lần bị ngành điện lập biên bản, xử lý. Vì vậy, sự phối hợp tổng thể, quyết liệt có hiệu quả trong giải quyết hành lang an toàn lưới điện sẽ giúp lưới điện trên địa bàn Thủ đô được an toàn hơn.
Mạnh Khánh