Những chính sách, giải pháp hỗ trợ về kinh tế nổi bật tuần qua

Những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nổi bật trong tuần qua (16/8-21/8).

Xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh; Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Khẩn trương rà soát các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với hệ thống cung ứng, phân phối; TP Hồ Chí Minh đề xuất hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ lao động nghèo đang gặp khó khăn; Hà Nội hỗ trợ 460 tỷ đồng cho người lao động gặp khó khăn do COVID-19; Đồng Tháp hình thành "Biệt đội" chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội… là những chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành, địa phương nổi bật trong tuần qua. 

Chú thích ảnh
Gạo và nhiều quần quà thiết yếu được chuyển đến trao tặng cho người dân "xóm chạy thận". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ, BỘ NGÀNH

Xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19

Tại Quyết định 1409/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh trên để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021.

Tiếp theo, tại Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021 về việc xuất cấp gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021. Cụ thể: Tỉnh Đắk Lắk 534,390 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 577,110 tấn gạo; tỉnh Đồng Tháp 5.883,465 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh 336,255 tấn gạo; tỉnh Cà Mau 2.862,330 tấn gạo; tỉnh Vĩnh Long 2.103,195 tấn gạo; tỉnh Long An 807 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang 2.278,170 tấn gạo; tỉnh Trà Vinh 1.7,950 tấn gạo; tỉnh Khánh Hòa 2.000,010 tấn gạo; tỉnh Bình Dương 11.325 tấn gạo; tỉnh Bến Tre 2.408,265 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.000,500 tấn gạo; tỉnh An Giang 3.362,280 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 341,100 tấn gạo; tỉnh Tiền Giang 3.006,225 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai 3.128,505 tấn gạo; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.283,495 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 1.852,665 tấn gạo; Thành phố Đà Nẵng 1.630,635 tấn gạo; Thàn phố Cần Thơ 5.015,490 tấn gạo; tỉnh Bình Thuận 4.018,485 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 577,200 tấn gạo; Thành phố Hồ Chí Minh 71.104,950 tấn gạo.

Mục tiêu ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19

Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 nêu rõ, hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ với mục tiêu ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép", duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.

Thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

Thủ tướng yêu cầu 10 Bộ rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh

Theo Công điện số 1079/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gửi 10 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Trong đó, tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách Nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 Bộ. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22/8/2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30/8/2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) cho ý kiến về dự án Luật này.

Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công văn số 5435/VPCP-ĐMDN ngày 8/8/2021 của Văn phòng Chính phủ và trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 8/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cấp bách của doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch COVID-19, dự thảo Nghị quyết đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm: 1. Thực hiện các biện pháp, phòng chống đại dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; 2. Đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; 3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; 4. Tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Khẩn trương rà soát các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với hệ thống cung ứng, phân phối

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bảo đảm an toàn trong từng khâu của toàn bộ hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh.

CÁC CHÍNH SÁCH, GIẢI PHÁP HỖ TRỢ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Chú thích ảnh
Xe bán hàng lưu động như một "siêu thị mini di động" để đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong mùa giãn cách. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Chủ động nhiều phương án cung cấp hàng hoá tại TP Hồ Chí Minh trước mọi tình huống

Trước thông tin TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách, có tình trạng một số nơi, người dân đổ xô đi mua hàng hóa, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã vào cuộc, cùng hỗ trợ địa phương giữ vững chuỗi cung ứng, nỗ lực đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ đến cho người tiêu dùng trong mọi hoàn cảnh. Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã chủ động các phương án ứng phó theo các kịch bản phòng chống dịch COVID-19.

Hiện nay việc cung ứng hàng hóa cho người dân vẫn tiếp tục thực hiện thông qua hoạt động của các chợ, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… với nhiều mô hình khác nhau như đi chợ hộ, bán hàng online, bán theo combo…

Trong trường hợp siết chặt hơn nữa các đối tượng được ra ngoài, Sở Công Thương có kế hoạch dự kiến khâu thu mua, vận chuyển hàng hóa về Tp. Hồ Chí Minh vẫn được giao cho các hệ thống phân phối; không đóng cửa toàn bộ chợ truyền thống (huyện Củ Chi, Cần Giờ vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào các chợ), thực hiện bán hàng theo hình thức "đi chợ hộ".

Ngoài ra, đối với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, Trung tâm an sinh của Thành phố đã chuẩn bị 3 triệu gói quà, 10 triệu suất ăn miễn phí để cấp phát.

TP Hồ Chí Minh đề xuất hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ lao động nghèo đang gặp khó khăn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình khẩn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc bổ sung số lượng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phức tạp kéo dài.

Các trường hợp được chính sách hỗ trợ (đợt 2) gồm hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực lao động nghèo, xóm nghèo, khu vực bị phong tỏa và lao động tự do đang gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Dự kiến bổ sung lần này hơn 1 triệu trường hợp hộ lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí dự toán hơn 1.570 tỷ đồng. Đồng thời, bổ sung hỗ trợ gần 670.000 lượt người (1,5 triệu đồng/người) lao động tự do với dự toán kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí dự kiến bổ sung cho đợt này là hơn 2.576 tỷ đồng.

Hà Nội hỗ trợ 460 tỷ đồng cho người lao động gặp khó khăn do COVID-19

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết,tính đến 15h ngày 20/8, tổng kinh phí Hà Nội đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch là 460 tỷ đồng.

Cùng với việc triển khai hỗ trợ các nhóm đối tượng theo Nghị quyết /NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Hà Nội đã bổ sung rà soát 10 nhóm đối tượng khó khăn và ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết 15/NQ-HĐND, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỷ đồng.

Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân. Thành phố Hà Nội cũng đã bổ sung 500 tỷ đồng uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay, giải quyết việc làm cho người lao động nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh.

An Giang giảm 100% tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt cho các hộ nghèo, cận nghèo

Nhằm hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh An Giang sẽ giảm 100% tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong hai tháng 8 và tháng 9/2021.

An Giang sẽ giảm giá nước sạch cho các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm cả các khu cách ly tập trung là các cơ sở lưu trú được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập với mức giá thu là 3.600 đồng/m3 trong hai tháng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang giảm giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt tương đương 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch. Thời hạn áp dụng được tính trong tháng 8 và tháng 9/2021.

Lập tổ thu mua hỗ trợ nông dân trồng dừa Bến Tre

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bến Tre đã tổ chức các đội thu mua dừa nhằm hỗ trợ không để ảnh hưởng tới đời sống người dân, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ dừa, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm thành lập 16 tổ thu mua là các thương lái thu mua dừa trước đây. UBND xã tạo điều kiện các tổ thu mua xét nghiệm COVID-19, cấp giấy thông hành di chuyển nội bộ trong xã để mua dừa của người dân. Sau đó sẽ có công ty đến thu gom về nhà máy sản xuất. Các tổ thu mua đảm bảo thự hiện nghiêm quy định 5K, địa phương sẽ kiểm tra thường xuyên và yêu cầu các tổ thu mua không tiếp xúc trực tiếp với nhà vườn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, tỉnh có hơn 74.000 ha dừa, chủ yếu là dừa khô nguyên liệu với 20% diện tích dừa uống nước.

Hậu Giang phối hợp với Quân khu 9 tiêu thụ vận chuyển nông, thủy sản

Ngày 19/8, UBND tỉnh Hậu Giang và Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã ký kết kế hoạch phối hợp giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh trong điều kiện dịch COVID-19.

Tại buổi ký kết, Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Phó Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định, việc hỗ trợ nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, thủy sản là việc làm rất thiết thực và có ý nghĩa. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng vũ trang Quân khu 9 luôn sẵn sàng đồng hành với địa phương giúp nhân dân khắc phục khó khăn, đẩy lùi đại dịch góp phần đưa địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng Tháp hình thành "Biệt đội" chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ đến hết ngày 25/8. Giữa lúc dịch diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp, sáng kiến hữu ích của nông dân trong việc chăm sóc vụ lúa Hè Thu và Thu Đông năm 2021 được nhiều địa phương trong tỉnh đưa ra. Đó là việc hình thành những "Biệt đội" chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội cho những nông dân có ruộng ở xa nhà, không thể thăm đồng.

Ở huyện Tháp Mười có 13/13 xã, thị trấn, thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp phục vụ sản xuất, thu hoạch nông sản. Đặc biệt, xã Láng Biển thành lập được tổ "Biệt đội" chăm sóc lúa trong thời gian giãn cách xã hội cho những hộ nông dân có ruộng tại xã Láng Biển, nhưng lại sinh sống ở các tỉnh lân cận, hoặc các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng không đến chăm sóc lúa được.

Đức Minh - Quốc Huy  (TTXVN)
Ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng
Ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng

Dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN