Hòa chung không khí tưng bừng của người dân cả nước tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, sáng 22/5, nhiều sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội cũng có mặt từ sớm tại các điểm bầu cử do các trường tổ chức, với tâm trạng háo hức, hồi hộp khi lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử.
Sinh viên đại học Bách Khoa (Hà Nội) xem danh sách cử tri. Ảnh: Hữu Vinh |
Là một trong những sinh viên bỏ phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử Ký túc xá Mễ Trì, em Nguyễn Thế Hoàn, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), từng là học sinh xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế trong 2 năm liên tiếp 2014-2015; đồng thời được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô năm 2014. Chia sẻ cảm xúc trong ngày bầu cử, Nguyễn Thế Hoàn cho biết: Em rất vui và tự hào vì sau 4 năm ở Ký túc xá Mễ Trì (từ ngày còn là học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên). Hôm nay, em được là một trong những sinh viên đầu tiên cầm trên tay lá phiếu để bầu ra những người đại biểu của nhân dân. Là một người trẻ tuổi, em đã lựa chọn bầu những đại biểu trẻ tuổi với hy vọng, họ là những người sẽ mang được những chính sách mới, giúp ích cho thế hệ trẻ vì tuổi trẻ là thế hệ tương lai xây dựng đất nước. Vì vậy, em mong muốn sẽ có nhiều chính sách giúp cho giới trẻ phát triển hơn nữa trong học tập và công việc sau này.
Em Lê Thị Mai Trang, sinh viên khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: Giống như các bạn sinh viên khác, em cảm thấy rất hào hứng vì lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử để bầu ra những người đại biểu tốt nhất, đại diện cho nhân dân. Em rất vui khi mình được góp phần trong việc bầu ra các đại biểu đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước, đưa đất nước phát triển hơn. Em hy vọng, các đại biểu khi trúng cử sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để không phụ lòng tin tưởng của tất cả cử tri; có nhiều chính sách để đưa đất nước phát triển giàu mạnh hơn, chăm lo cho cuộc sống người dân tốt hơn. Với tư cách là một sinh viên, em cũng mong muốn, khi trúng cử, các đại biểu sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ giáo dục và đời sống của sinh viên ngày càng được chăm lo hơn nữa.
Tại điểm bầu cử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Công tác tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã được nhà trường thực hiện từ tháng 3 nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ công dân vì 100% sinh viên của trường đều lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu.
Em Trần Thị Thúy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Đây là năm đầu tiên em được tham gia bầu cử, em có những cảm xúc rất mới mẻ, vừa hồi hộp, vừa cảm thấy vinh dự và tự hào. Nhưng em cũng khá lo lắng vì bản thân phải suy xét để đưa ra quyết định lựa chọn đại biểu của riêng mình. Trước ngày bầu cử hôm nay, em thường xuyên theo dõi những hoạt động vận động bầu cử của các ứng cử viên. Em cho rằng, không phải bỏ phiếu xong là hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri, mà sau bầu cử mình phải tiếp tục theo dõi, giám sát để có cái nhìn toàn diện và có thể đánh giá tốt hơn năng lực thực sự của người mà mình đã tin tưởng lựa chọn.
Số lượng sinh viên đăng ký bầu cử tại khu vực bầu cử của đại học Bách Khoa Hà Nội lên tới 7.000 cử tri. PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Tổ của chúng tôi có 6.749 sinh viên và 20 cán bộ sẽ tham gia bỏ phiếu. Hai địa điểm bỏ phiếu đều đặt trong khu ký túc xá của nhà trường để tiện cho các bạn sinh viên thực hiện nghĩa vụ công dân”.
Đối với đa số sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đây là lần đầu tiên các cử tri trẻ được đi bầu cử. Do vậy, nhiều cử tri sinh viên không khỏi háo hức xen lẫn hồi hộp. Cử tri Nguyễn Thị Lương, sinh viên năm thứ hai, khoa Dệt may, da giầy, thời trang (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: “Được cầm lá phiếu trên tay, tham gia bầu cử, em có cảm giác mình trưởng thành hơn. Em nghĩ rằng, lá phiếu của mỗi công dân sẽ góp phần làm nên thành công của ngày bầu cử. Điều này khiến em nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân”.
Nhận thức được việc lá phiếu của mình sẽ góp phần để lựa chọn ra những đại biểu ưu tú của nhân dân, các cử tri trẻ tin tưởng những ứng cử viên được nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp sẽ đem hết khả năng và tâm huyết để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Cử tri sinh viên Hoàng Thị Trâm, năm thứ ba, khoa Điện tử Viễn thông mong muốn: “Những ứng cử viên sau khi trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, ngoài việc quan tâm đến tình hình chung của đất nước, các đại biểu cần thường xuyên về cơ sở lắng nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của sinh viên để đề xuất với Nhà nước, có chính sách giúp cho các bạn sinh viên ra trường tìm được việc làm, làm đúng với những công việc mà mình mong muốn”.
Em H’Zu Ni Niê, sinh viên trường Đại học Tây Nguyên lần đầu tiên được đi bỏ phiếu cho biết, em rất hồi hộp và cũng rất tự hào, có cảm giác mình đã trưởng thành hơn. Em hi vọng lá phiếu của mình có thể góp phần nhỏ bé vào thành công của cuộc bầu cử, qua đó bầu được những người tiêu biểu có đủ đức, đủ tài, nhiệt huyết, xứng đáng với niềm tin mà đồng bào các dân tộc gửi gắm. Em H’Zu Ni Niê mong muốn các ứng cử viên sau khi trúng cử, ngoài việc quan tâm đến tình hình chung về phát triển kinh tế, xã hội còn thường xuyên về cơ sở để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng nhất là quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường hay đề ra các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ thanh niên các dân tộc có thêm nhiều cơ hội đóng góp trí tuệ, công sức cống hiến sức trẻ xây dựng cho quê hương Đắk Lắk ngày thêm giàu đẹp…