Khi đó TTXVN đã xuất bản các tờ tin tuần như: Văn hóa thể thao, Khoa học kỹ thuật & Kinh tế thế giới, mở ra một chiều hướng mới cho TTXVN ra báo in hàng tuần. Bộ biên tập cũng đã chuẩn bị phương án để xin giấy phép xuất bản thêm tờ Tuần tin tức, coi như một tờ báo in chính thống của hãng Thông tấn quốc gia.
Ông Đào Tùng, Tổng biên tập TTXVN thời đó đã tập hợp một nhóm cán bộ, phóng viên từ hai ban tin trong nước và thế giới làm việc kiêm nhiệm để chuẩn bị sẵn nội dung cho những số đầu. Gồm ông Công Đắc, Trưởng ban Tin thế giới; ông Văn Trường, Phó ban Trong nước; Vũ Duy Thông, Phó trưởng tiểu ban Công thương; Bùi Ngọc Hải, Trưởng tiểu ban Tây Ban Nha. Tháng 5/1983, ông Đào Tùng đi công tác nước ngoài đã giao cho ông Đỗ Phượng, Phó tổng biên tập chủ trì ra báo. Ông Phượng giao trực tiếp những bài vở đã được viết cho ông Nguyễn Đức Giáp đang là phó ban biên tập tin thế giới phụ trách, lệnh phải ra kịp vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ.
Cùng lúc đó, trung tuần tháng 5/1983, lãnh đạo Ban Tin trong nước điều tôi sang làm việc trực tiếp tại Tuần tin tức do ông Đức Giáp phụ trách. Ông Giáp bố trí tôi ngồi làm việc ngay trong phòng của tòa soạn tờ Văn hóa thể thao. Trong phòng có anh Hữu Vinh mới thường trú ở Pari về, anh Hoàng Hòe và anh Hà Vinh. Tôi ở đó đến cuối tháng 9 mới được chuyển phòng. Anh Giáp phân công tôi làm cán bộ chuyên trách thường trực tòa soạn, tập hợp bài vở và làm việc với họa sĩ, phải bắt tay vào làm việc ngay. Bạn Đào Thị Lan chuyên trách việc đánh máy. Hôm ấy, thứ sáu, vào trước tuần in báo, anh Giáp đưa tôi tập bản thảo cùng một xấp ảnh. Anh nói: “Chân về đọc kỹ lại, mai gặp anh Văn Phúc “họa sĩ” trao đổi để anh ấy trình bày. Đây là số báo đầu tiên sẽ ra vào tuần tới”.
Hôm sau tôi gặp anh Phúc tại phòng làm việc của anh Giáp. Anh Giáp chỉ nói: “Như lãnh đạo đã phân công, anh Phúc sẽ trình bày số báo đầu tiên. Sáng thứ hai chuyển lên để tôi trình anh Phượng duyệt in vào tuần sau”. Tôi đưa anh Phúc tập bản thảo được kẹp thành 16 trang đã chuẩn bị. Anh Phúc ngoài 50 tuổi, người gầy, nhỏ, chuyên trình bày những bản in của nhà in TTXVN, nên được mệnh danh là “họa sĩ”. Anh Phúc nhận tập bản thảo tôi vừa đưa, rồi nhìn sang anh Giáp nói: “Được rồi, tôi sẽ trình bày, nhưng chắc là chưa được như ý đâu. Các sếp đừng trách”. Anh Giáp nói: “Thì ông cứ trình bày được như hai tờ Văn hóa thể thao và Khoa học là được”.
Cách một ngày, hôm đó là thứ 2 anh Phúc lên giao bản thảo và makét. Tôi cầm tập giấy anh Phúc trình bày makét, khổ A4, trên trang 1 là chữ Tuần tin tức - măng sét báo, như một cái tít bài, chiếm cả bề ngang, dưới là mấy hàng tít lớn. Các trang sau đều là tin và bài. Riêng trang 8 - 9 toàn ảnh. Anh Giáp nhìn tôi rồi lại nhìn anh Phúc. Một lúc rồi anh nói: “Thôi được, tôi đưa ông Phượng xem”. Đến chiều, ông Phượng trả lại bản thảo và makét, cho in. Thế là tôi chuyển xuống phòng phát hành để anh Trình chuyển sang nhà in TTXVN theo trình tự đã sắp xếp. Số báo Tuần Tin tức đầu tiên ấy in 3.000 tờ. Nhưng chúng tôi được biết chỉ bán được hơn một ngàn tờ còn thì biếu, tặng, phát hành nội bộ để rút kinh nghiệm.
Báo vừa in xong thì tòa soạn tới tấp nhận được sự góp ý của rất nhiều người. Có cả thư phản ánh của bộ phận phát hành và bạn đọc. Tờ báo in đen từ đầu tới cuối. Mọi người đều kêu là báo đen quá. Ảnh lại vào kín hai trang. Trong khi bài dài chiếm hết cả trang lại không có ảnh minh họa, cứ như một tờ chuyên san, chưa phải là báo, không khác gì bản tin hàng ngày. Hình thức ấy làm sao tôn được nội dung của bài báo. Bộ biên tập liền triệu tập cán bộ lãnh đạo các ban tin đang chuẩn bị cho số báo sau tới họp, rút kinh nghiệm ngay. Ông Phượng cùng ông Giáp, ông Trường và ông Đắc còn trao đổi với nhau khá lâu. Ngày hôm sau giao ban tòa soạn, anh Giáp cho biết: Có thể tìm họa sĩ chuyên ngành giúp trình bày báo, Công ty phát hành đã liên hệ với nhà in báo Hà Nội mới chuyển Tuần tin tức sang in bên đó. Đấy là những quyết định mà Bộ biên tập đã dự sẵn. Nghe thế, tất cả chúng tôi đều vui mừng. Sau đó Bùi Ngọc Hải, Vũ Duy Thông và tôi ngồi lại cùng anh Giáp trao đổi về số báo tới và tìm biện pháp cải tiến việc in báo.
Quả thật, khi tờ báo đầu tiên in ra chưa được như ý là một thách thức cho cả lãnh đạo cơ quan và chúng tôi, những người đang trực tiếp làm báo. Chúng tôi ý thức thật rõ ràng trách nhiệm của mình. Báo in ra rồi, công việc càng trở nên nghiêm túc và khẩn trương hơn. Mọi người đều nghĩ, phải làm sao cho tờ báo có hình hài thật sự, phải là một tờ báo đúng nghĩa, mặc dù với cơ quan Thông tấn thì chỉ gọi là tuần tin. Tờ báo phải có chất lượng thật tốt, không những về nội dung mà còn cả hình thức, để bạn đọc mua báo, đọc báo.
Mặt khác, đây còn là bộ mặt của cơ quan, còn là thí dụ cụ thể để xin giấy phép ra báo nữa. Nghĩ vậy nên chúng tôi rất hăng hái làm việc. Lúc đó một anh bạn với Vũ Duy Thông, mách cho chúng tôi biết họa sĩ Thẩm Đức Tụ, cán bộ Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội học chuyên về makét báo ở Liên Xô. Thế là tôi và anh Vũ Duy Thông tìm gặp Thẩm Đức Tụ đề nghị giúp đỡ. Thẩm Đức Tụ nhận lời. Chúng tôi liền gặp anh Giáp. Anh Giáp đồng ý ngay và hẹn gặp Thẩm Đức Tụ ngay hôm ấy.
Thật là may mắn. Mọi việc đều suôn sẻ. Vậy là ngay từ số báo tiếp theo Thẩm Đức Tụ đã là người tham gia trình bày. Anh đã có nhiều cải tiến làm đẹp cho hình thức của tờ báo. Anh làm lại măng sét báo và đề nghị nhà in báo Hà Nội mới in thử những số báo chồng hai màu lần đầu tiên. Sau này đến họa sĩ Nguyễn Thanh Toàn càng có nhiều sáng tạo làm cho tờ báo nổi trội hơn.
Sau việc in ấn lập tức mọi phản ánh lại tập trung vào nội dung. Cả tòa soạn và cán bộ phóng viên hai ban tin trong nước và thế giới đều vào cuộc. Bài vở lập tức được viết khá chu đáo và ngắn gọn. Lúc đó cũng là lúc lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện kế hoạch X30, kiểm tra và thu giữ tài sản của một số người bị coi là làm giàu nhanh và không chính đáng.
Điển hình là vụ “vua lốp” và vụ nhà máy giấy Trúc Bạch. Giám đốc nhà máy giấy Trúc Bạch là ông Lê Hải bị khám nhà. Một bản báo cáo tỷ mỉ về gia sản của Hải được bạn Xuân Bân, phóng viên thường trú Hà Nội gửi về tòa soạn. Anh Giáp lệnh cho tôi phải biên tập lại để kịp đưa vào Tuần tin tức số 3 sắp xuống nhà in. Tôi đã biên tập và viết lại, anh Giáp sửa “tít” là: “Huyền thoại ngôi biệt thự ở Bái Ân”. Bài đó đã kịp thời tới tay bạn đọc trong lúc cả thành phố đang xôn xao dư luận. Từ số báo ấy Tuần tin tức đã bắt đầu được bạn đọc chú ý.
Ngày 15/7/1983, ông Đỗ Phượng ký Quyết định số 544 QĐ - CB thành lập hai tòa soạn Văn hóa thể thao quốc tế và Tuần tin tức. Giao anh Đức Giáp làm Thư ký tòa soạn Tuần tin tức, anh Hạnh làm phó. Anh Thông và Hải là ủy viên, Chân phụ trách trị sự thường trực tòa soạn cùng một vài người khác.
Tháng 9/1983, cơ quan nhận giấy phép xuất bản Tuần tin tức, ông Đào Tùng liền ra quyết định chính thức bổ nhiệm các cán bộ tòa soạn: Ông Tùng - Tổng biên tập Tuần tin tức. Ông Phượng - Tổng biên tập Văn hóa thể thao, Ông Giáp - Tổng biên tập Khoa học kỹ thuật & Kinh tế thế giới kiêm Phó tổng biên tập VHTT. Ông Trường, ông Đắc làm Phó tổng biên tập Tuần tin tức, ông Giáp là cố vấn tòa soạn. Anh Trần Mai Hạnh làm thư ký tòa soạn, anh Hoàng Dương phó thư ký, anh Thông, anh Hải là ủy viên, Sỹ Chân chuyên trách thường trực tòa soạn.
Nhớ lại những ngày đầu làm báo Tuần tin tức, tôi như thấy đâu đây những kỷ niệm còn rất mới. Những năm tháng hăng say, sôi nổi và đầy hào hứng của một phóng viên Thông tấn xã lần đầu tiên được làm báo in. Điều đó đã cho tôi kinh nghiệm quý báu để sau này mở mang các tờ báo mới khác.