Được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Hồ Chủ tịch trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ kiêm toàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiếp đó làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng và tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân. (22/12/1944). Ảnh: Tư liệu – TTXVN |
Trên những cương vị đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc, đã cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, vận dụng sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự, hình thành học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo: Nước nhỏ, đánh thắng những kẻ thù lớn mạnh nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ông là người đã trực tiếp dẫn dắt “đội quân thơ ấu” từ hai bàn tay trắng, từ súng trường chân đất lớn lên trong suốt cuộc trường chinh mười ngàn ngày và đã đánh bại 10 đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc lớn.
Ông đã từ một người yêu nước ở tuổi học trò đến một người cộng sản chân chính - chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo sư sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành danh tướng, “một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy” - như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà.
Thành công trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi ban đầu. Người đã dạy ông bốn từ Dĩ công vi thượng. Lời dạy ngắn gọn đó không chỉ theo ông trong suốt cuộc đời cầm quân mà khi đã hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, trở về với không ít thử thách trong cuộc sống đời thường, trong tư tưởng và hành động, ông luôn tâm niệm một điều: Đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích nhân dân lên trước hết. Ông là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Bác Hồ đã dạy. Những đức tính ấy, nhất là Trí và Dũng, bộc lộ rất sớm. Điều này có thể thấy qua cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947, để khẳng định rằng tài cầm quân ở tầm chiến lược của ông xuất hiện ngay từ những năm đầu của kháng chiến toàn quốc.
Ở Chiến dịch Biên giới năm 1950, lúc đầu ta chủ trương đột phá Cao Bằng. Nhưng sau khi trực tiếp trinh sát thực địa, đánh giá tình hình, ông đã quả cảm, quyết đoán đề nghị chuyển sang đột phá Đông Khê và đã được Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Hồ Chủ tịch đã trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch và vạch ra ý đồ tác chiến là “nhử thú dữ vào tròng - khép vòng lưới thép” tiêu diệt địch. Còn ông chỉ huy bộ đội thực hiện “vận động chiến” và mưu kế “đánh điểm-diệt viện”. Quân ta đã kiên cường chiến đấu và đã giành chiến thắng lớn ở Đông Khê. Bị mất Đông Khê, quân địch từ Thất Khê lên ứng cứu đã bị ta đánh chặn và tiêu diệt, quân địch ở Cao Bằng vội vã rút chạy cũng bị ta bao vây, tiêu diệt và bắt sống cả chỉ huy của hai cánh quân này. Nhờ mưu kế hay, cách đánh giỏi nên ta đã đánh một mà được hai. Hệ thống phòng tuyến đường số 4, vành đai khép chặt biên giới mà địch đã dày công xây dựng bị phá vỡ tan tành. Từ đó căn cứ cách mạng của ta được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
Đông Xuân 1953-1954, mưu kế chiến lược của Đại tướng được thể hiện rất tài tình. Ông đã thành công trong việc phân tán lực lượng cơ động của địch và đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương bằng các biện pháp nghi binh, lừa địch mà chính tướng Nava cũng phải thú nhận rằng đến hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân tán ra các chiến trường. Do vậy, khi ta tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động của địch không thể tập trung lớn để đối phó được nữa.
Trên chiến trường chính - Điện Biên Phủ-, ông đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Ông đã phải trải qua những trăn trở cực kỳ khó khăn trước khi đưa ra sự thay đổi phương châm tác chiến này. Mặc dù trận địa đã được bố trí, pháo lớn đã kéo lên vị trí chiến đấu với biết bao công sức và xương máu, nhưng ông vẫn quyết tâm cho đưa pháo xuống, rồi lại kéo lên.
Lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là rất hiếm ở trên thế giới cho kéo pháo lên núi cao, từ hầm trú ẩn chĩa pháo thẳng xuống đầu kẻ địch mà chế áp. Cách đánh này vừa bảo vệ được pháo tránh được sát thương do pháo và máy bay địch gây ra, vừa nâng cao được uy lực và mức chính xác cao, khiến cho ngay viên chỉ huy pháo binh của Pháp là Pirốt phải tự sát vì hoảng loạn và quá bất ngờ.
Sau 56 ngày đêm quyết chiến, quân đội Việt Nam non trẻ dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, sự chỉ huy của vị Đại tướng mới ngoài 40 tuổi đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay của quân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ là “cây cột mốc bằng vàng” đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc”.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Để giáo dục cho quân đội, ông đã viết lý luận về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nêu cao tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Trong lúc cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam diễn ra gay go, ác liệt, để tạo thực lực về cơ sở vật chất và lực lượng cho cách mạng miền Nam, ông đã đề xuất với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đường chiến lược Trường Sơn. Con đường chiến lược Hồ Chí Minh đã hình thành từ đó, đã tiếp sức cho cách mạng miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.
Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ”, bộ đội Tây Nguyên đã đề ra chiến thuật “chốt kết hợp với vận động”. Khi đem chiến thuật này ra Bắc báo cáo đã được Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu sửa lại là “Vận động tiến công kết hợp với chốt”, thể hiện tinh thần tiến công mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, mùa đông năm 1967, trong chiến dịch Đắc Tô 1, bộ đội Tây Nguyên đã thành công và hoàn thiện chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp với chốt”, mở ra khả năng đánh mới, tiêu diệt những đơn vị quân Mỹ trên chiến trường. Lần đầu tiên ở Tây Nguyên, bộ đội ta đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 173 là lữ đoàn cơ động chiến lược của Mỹ, làm cho quân Mỹ bị choáng váng, chùn bước tiến vào căn cứ của ta.