Có mặt tại tại khu vực bỏ phiếu số 6, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) nơi trên 500 cử tri là cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đi bỏ phiếu, ai cũng hồ hởi tươi vui.
Vừa kết thúc ca trực gác, chiến sĩ Vũ Văn Cường, vệ binh làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh tại khu vực bỏ phiếu tại trụ sở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đã nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ công dân. Chiến sĩ Vũ Văn Cường cho biết: "Tôi vừa nhập ngũ đầu năm 2021, và đây là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cảm xúc của tôi lúc này rất vui và vinh dự. Tôi tin tưởng vào các ứng cử viên khi trúng cử sẽ mang hết tâm huyết trí tuệ của mình để cống hiến cho đất nước”.
Còn chị Dương Thị Mai, dân tộc Dao ở thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, huyện Hoàng Bồ (Quảng Ninh) lại có một cảm xúc khác. Chị Mai cho biết: “Hôm nay, ngày 23/5/2021 là một ngày thật đặc biệt với tôi. Tối hôm qua 22/5/2021 là sinh nhật tôi tròn 18 tuổi, và sáng nay tôi cầm trên tay phiếu đi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân”.
Cô gái người Dao vừa tròn 18 tuổi Triệu Thị Hạnh, ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, cũng là cử tri trẻ lần đầu đi bầu cử cho biết: “Chúng tôi mong các ứng cử viên khi trúng cử sẽ chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và ở Bắc Kạn nói riêng có cuộc sống tốt hơn, giữ gìn được những bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn”.
Các cử tri lần đầu đi bầu cử cảm thấy có trách nhiệm rất cao cả về quyền lợi cũng là nghĩa vụ của mình khi cầm trên tay lá phiếu bầu cử.
Nhiều cử tri trẻ tuổi khi tìm hiểu về danh sách ứng cử viên cho biết: Các ứng cử viên rất sáng giá, nên việc lựa chọn để tìm ra được người xứng đáng nhất cũng rất băn khoăn. Mỗi lá phiếu bầu của cử tri không chỉ là quyền và nghĩa vụ công dân mà còn là niềm tin, sự kỳ vọng vào những đổi thay của quê hương, đất nước.
Thời gian qua, để cử tri trẻ tiếp cận được thông tin, các Ban bầu cử, Tổ bầu cử ở các địa phương đã tuyên truyền bằng nhiều kênh trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, mescenger... để cử tri nắm bắt thông tin kịp thời về ngày bầu cử.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ cử tri, đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu số 6, phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội), ông Nguyễn Đông Dư, năm nay đã 74 tuổi xúc động cho biết: “Tôi không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu tôi đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhưng có lẽ đây là lần bỏ phiếu tôi thấy khó quên nhất bởi ngày bầu cử đúng thời điểm cả nước căng mình chống dịch COVID-19”.
Rồi ông Dư bồi hồi nhớ lại lần tham gia bỏ phiếu bầu cử đầu tiên sau ngày thống nhất non sông, đó là ngày 25/4/1976, thời điểm ấy ông Dư đang làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Cả tổ phóng viên vừa thực hiện quyền bầu cử tại Đắk Lắk vừa phản ánh ngày bầu cử đầy tưng bừng náo nức của đồng bào các dân tộc sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết đã có đơn vị bầu cử hoàn thành việc bỏ phiếu rất sớm. Không khí bầu cử hết sức vui vẻ, nhân dân rất phấn khởi, hăng hái đi bầu cử.
Cho đến giờ phút này, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, một số tổ bầu cử đã hoàn thành 100% cử tri đi bầu, trong đó có 23 đơn vị bầu cử ở Bạc Liêu, 10 đơn vị bầu cử ở Vĩnh Phúc và một số đơn vị bầu cử khác đã hoàn thành 100% cử tri đi bầu. Trong đó đơn vị sớm nhất là một đơn vị trong lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành việc bỏ phiếu từ lúc 6 giờ 50 phút, 100% cử tri đi bầu. Sau đó các chiến sĩ đã đi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại các khu vực bầu cử. Tình hình chung, tất cả các tỉnh báo cáo về rất thuận lợi.
Về thời tiết, giao thông, về an ninh trật tự đều rất tốt, chưa có vấn đề gì vướng mắc, đặc biệt là không khí của nhân dân rất phấn khởi.