Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ hy vọng Diễn đàn sẽ tạo ra những quyết tâm mới. Theo Bộ trưởng, các cuộc thảo luận và chia sẻ sâu sắc tại Diễn đàn đã cung cấp những thông tin quý giá để các nước trong khu vực và các bên liên quan suy ngẫm, tái khẳng định tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc định hình một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng ASEAN.
Phát biểu dẫn đề khai mạc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh ba xu hướng chiến lược định hình tương lai của ASEAN. Đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự chia rẽ giữa các cường quốc; sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ đột phá mới cũng như tính cấp thiết trong phát triển bền vững và toàn diện. Những xu hướng chiến lược này đã đặt ra cả thách thức và cơ hội to lớn chưa từng thấy cho ASEAN.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, các nước trong khu vực cần suy ngẫm về những bài học được thảo luận tại Diễn đàn để tận dụng được những bài học này trong thúc đẩy, phát triển nhanh, bền vững, trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh toàn diện cho người dân ASEAN.
Theo Bộ trưởng, công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc và sống hằng ngày, đòi hỏi phải có những cơ sở hạ tầng thiết yếu về kinh tế và thúc đẩy chuyển đổi số. Các nước trong khu vực phải nỗ lực hơn nữa để đầu tư cho con người, đặc biệt là cung cấp kỹ năng số cho thanh thiếu niên.
Bộ trưởng bày tỏ lạc quan với chiều hướng phát triển của ASEAN khi các phiên thảo luận tại Diễn đàn đã thu hút rất nhiều các nhà hoạch định chính sách, khối doanh nghiệp để thảo luận và đưa ra những giải pháp khả thi, trong đó có những giải pháp rất độc đáo để thích ứng và giải quyết những vấn đề khu vực đang gặp phải. Các đại biểu tại Diễn đàn đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
“Hòa bình là xương sống của tất cả các nỗ lực và hòa bình là thành tựu lớn nhất của ASEAN trong bối cảnh khu vực cũng có rất nhiều biến cố khó lường và phức tạp. Chúng ta cần phải nỗ lực hết sức để bảo vệ hòa bình. Những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt chắc chắn sẽ nhiều và liên kết với nhau, từ căng thẳng địa chính trị, những bất ổn về kinh tế cho đến nhu cầu cấp thiết phải phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bằng cách chủ động và sáng tạo trong việc vạch ra một lộ trình của riêng mình, ASEAN có thể quản lý những vấn đề phức tạp, góp phần xây dựng một cộng đồng toàn cầu, nơi tất cả các quốc gia, bất kể quy mô và kích cỡ của họ đều được tôn trọng, hợp tác bình đẳng và cùng nhau hợp tác để giải quyết những thách thức chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng hy vọng những khuyến nghị chính sách sâu sắc được rút ra từ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 sẽ đóng vai trò là lời kêu gọi hành động rõ ràng khi các nước trong khu vực hướng về tương lai và tăng cường hơn nữa nỗ lực để xây dựng một môi trường toàn diện, bền vững cho tất cả người dân. Điều này sẽ đòi hỏi một tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ, một tư duy đổi mới và những cam kết vững chắc đối với hợp tác giữa các bên liên quan, từ chính phủ, khối doanh nghiệp, cho đến cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi các nước trong khu vực đoàn kết với quyết tâm biến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 thành hiện thực, xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn cho người dân và cho các thế hệ mai sau. “Con đường phía trước có thể có nhiều thách thức nhưng với sức mạnh và trí tuệ tập thể của Cộng đồng ASEAN, không có trở ngại nào mà chúng ta không thể vượt qua”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề: "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" là một sáng kiến quan trọng do Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 43 vào tháng 9/2023. Đây là ý tưởng mới của Việt Nam với mong muốn tạo diễn đàn chung cho các nước thành viên ASEAN cũng như các bạn bè đối tác của ASEAN, người dân ASEAN cùng đóng góp vào việc thúc đẩy, định hình con đường phát triển cho tương lai của ASEAN.
Điểm khác biệt lớn nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN so với các diễn đàn khác, đây là diễn đàn dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân của ASEAN.
Tham dự Diễn đàn có khoảng 500 đại biểu đại diện Chính phủ, đoàn ngoại giao, học giả, cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu từ ASEAN, các đối tác và tổ chức quốc tế. Diễn đàn có Phiên khai mạc; Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề “ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững”; hai phiên ăn trưa làm việc với hoạt động Tọa đàm với Doanh nghiệp ASEAN và đối tác “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số” và chủ đề “Tái xác định vai trò trung tâm của ASEAN”; Phiên toàn thể thứ hai chủ đề “Bảo đảm an ninh toàn diện vì Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm” và Phiên bế mạc Diễn đàn.