Theo báo cáo mới nhất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp chính phủ phiên thường kỳ tháng 2 hôm qua (28/2), tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng hiện đã giảm từ hơn 8% xuống còn 6%. Thông tin này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh) khẳng định tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 được tổ chức vào cuối chiều qua.
Giảm lãi suất và nợ xấu để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đây là điều đáng mừng bởi mặc dù công ty xử lý nợ xấu chưa ra đời nhưng tới nay việc xử lý nợ xấu đã giảm xuống còn 6%. Cùng với vấn đề này, Chính phủ sẽ có lộ trình để tiếp tục điều chỉnh lãi suất.
“Điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn nữa, cùng với đó là xử lý nợ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh tốt hơn. Qua đó, doanh nghiệp đang gặp khó khăn sẽ có điều kiện phát triển sản xuất và doanh nghiệp đã hồi phục rồi thì sẽ phát triển nhanh hơn”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Nói về dư nợ tín dụng âm trong 2 tháng qua, người phát ngôn của chính phủ bày tỏ sự lo lắng. Theo Bộ trưởng Đam, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 12%. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu kép trong năm nay là vừa tăng trưởng vừa kiềm chế lạm phát. Chính vì thế, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng khác phải bám sát các mục tiêu này để phối hợp điều hành. Đặc biệt, các cơ quan điều hành cũng phải tính tới việc “dàn đều” tín dụng trong 10 tháng còn lại, tránh dồn vào một thời điểm, gây áp lực lên lạm phát.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế trong nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng đầu năm là 2,59%. So với nhiều năm thì đây là con số khá tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, đây là việc tuyệt đối không thể chủ quan trong điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng cho biết, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hai tháng qua là hơn 8.600 doanh nghiệp trong khi số doanh nghiệp mới thành lập chỉ là 8.000. Vì thế, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cần quyết liệt và cụ thể hơn. Làm sao chủ trương và thực tiễn không có khoảng cách lớn.
Cân nhắc về điều hành giá và thu phí
Tại phiên họp báo, đại diện các bộ, ngành cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí về việc điều chỉnh giá xăng dầu và một số loại phí. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Chính phủ đã chỉ đạo chưa tăng giá xăng dầu là nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh vĩ mô, tạo đà cho tăng trưởng. Để điều hành mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã cho phép doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và đề nghị doanh nghiệp tạm dừng tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu.
Liên quan đến việc từ 1/3/2013 các ngân hàng sẽ bắt đầu được thu phí dịch vụ ATM, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, ATM là một dịch vụ ngân hàng và để cung cấp được dịch vụ thì ngân hàng phải thu phí. Do đó, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam đã tính toán, cân nhắc đưa ra mức phí để hài hòa vừa đảm bảo cho các tổ chức tín dụng vận hành tốt hơn và cũng trên nguyên tắc được người tiêu dùng chấp thuận. Khi chuyển từ việc không thu phí sang thu phí thì ban đầu chủ thẻ có thể có những băn khoăn. Tuy nhiên, việc thu phí và phát triển dịch vụ ATM là cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Một vấn đề khác được khá nhiều người quan tâm cũng được đại diện Bộ Tài chính cho biết là tiến độ xây dựng nghị định hướng dẫn về phí trước bạ đối với ô tô. Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, cơ quan này vừa trình Chính phủ dự thảo trên vào ngày 26/2. Bà Mai cho biết, theo dự thảo trình Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến sẽ quy định mức phí trước bạ đối với ô tô đăng ký lần đầu là 10%. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể để quyết định mức áp dụng với địa phương mình nhưng không quá 50% khung quy định. Theo đó, mức phí tối đa sẽ là 15%. Đối với phí trước bạ áp dụng cho xe ô tô đăng ký lần 2 (xe cũ), mức phí quy định dự kiến là 2%. Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, dự kiến thời điểm áp dụng mức phí mới này theo dự thảo là từ ngày 15/3.
T.Hường