Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia
Trong tuần qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế…
Do đó, Nghị 57 - NQ/TW quyết định rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện, từ đổi mới tư duy tới xây dựng đội ngũ nhân tài và cả hợp tác quốc tế. Nghị quyết đã vạch ra tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, bao gồm quy mô kinh tế số tới năm 2030 tối thiểu đạt 30% GDP; đến năm 2045 đạt 50%; đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Với việc vạch rõ con đường đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững, Nghị quyết 57-NQ/TW được đánh giá là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Từ 25/12, tài khoản đã xác thực mới được đăng bài trên mạng xã hội
Từ ngày 25/12, người dùng tại Việt Nam phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động để được hoạt động trên mạng xã hội.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Theo đó, những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong 1 tháng (số liệu thống kê trung bình trong thời gian 6 tháng liên tục) từ 100.000 lượt trở lên, sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định.
Trường hợp người dùng mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân. Nghị định cũng chỉ rõ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trong vòng 90 ngày, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Công ty Triệu nụ cười có dấu hiệu lừa đảo mua bán tiền ảo
Tuần qua, cơ quan điều tra đang xác minh dấu hiệu lừa đảo tại Công ty Cổ phần Triệu nụ cười. Ngoài Công ty này, Hồ Quốc Thân còn là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Invest TV. Công an TP Hà Nội vừa khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Cổ phần Triệu nụ cười, nơi ở của Hồ Quốc Thân (Giám đốc Công ty) để điều tra dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn kêu gọi đầu tư vào tiền ảo.
Giữa tháng 4/2024, Hồ Quốc Thân bắt đầu chia sẻ việc phát hành đồng tiền lượng tử QFS TNCVN. Đây là đồng tiền do Hồ Quốc Thân phát hành, không liên quan đến đồng tiền điện tử. Điều kiện tham gia vào hoạt động của "hệ sinh thái" Triệu nụ cười là các cá nhân, doanh nghiệp phải bỏ tiền "trợ duyên" để sở hữu đồng tiền lượng tử QFS TNCVN, với mức giá từ 4 - 5 triệu đồng/QFS cho cá nhân và 39 triệu đồng/QFS cho doanh nghiệp. Để đánh bóng tên tuổi, Hồ Quốc Thân đã xây dựng hình ảnh về tập đoàn an sinh, vì lợi ích của người dân. Công ty đã mở chuỗi cửa hàng dân sinh tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phố trên cả nước. Các cửa hàng này kinh doanh sản phẩm tiêu dùng như thực phẩm, hàng tạp hóa.
Thời điểm cơ quan công an vào cuộc, có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Vụ án Phúc Sơn khởi tố thêm 5 cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc
Cũng trong tuần qua, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) cho biết đã khởi tố thêm 5 bị can ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc do liên quan vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn. Các bị can bị khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Hà Hoà Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Ngô Đức Vượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ; Nguyễn Doãn Khánh, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.
Theo Thượng tá Vũ Thanh Tùng, có người đã bị khởi tố trong vụ Phúc Sơn về 5 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Dự kiến đầu quý I/2025 sẽ có kết luận điều tra vụ án.
ASEAN Cup 2024: Cẩn trọng tránh cú ‘sảy chân’ ở trận lượt về
Sau chiến thắng ở trận bán kết lượt đi của giải vô địch Đông Nam Á 2024, HLV Kim Sang Sik (phiên âm đọc Kim xang xích) nhấn mạnh: Đội tuyển Việt Nam vẫn phải hết sức cẩn trọng cho trận lượt về diễn ra ngày 29/12 tới trên sân nhà Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).
Diễn ra tối 26/12, hai tiền đạo Tiến Linh, Xuân Son đã ghi bàn ở phút bù giờ cuối cùng, giúp đội tuyển Việt Nam thắng 2 - 0 trên sân Singapore ở trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Kết quả này giúp thầy trò HLV Kim Sang-Sik rộng cửa vào chung kết.
HLV Kim Sang Sik cho biết, ông rất hài lòng về màn trình diễn của các cầu thủ. “Họ đã thi đấu với tinh thần quyết tâm và chiến đấu hết mình. Chiến thắng này là bước đệm quan trọng cho trận lượt về. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt kết quả tốt nhất”, ông nói.
Sau chiến thắng 2 - 0 trước Đội tuyển Singapore trong trận bán kết lượt đi Giải vô địch Đông Nam Á 2024 (AFF Cup 2024), thầy trò HLV Kim Sang Sik đã lên đường về nước vào ngày 27/12 để chuẩn bị cho trận lượt về với đội bóng "xứ Đảo quốc Sư tử" trên sân Việt Trì (Phú Thọ) vào 20 giờ tối 29/12.
Chia sẻ về khát khao giành chức vô địch của tuyển Việt Nam, đội trưởng Đỗ Duy Mạnh chia sẻ: “Lần gần đây nhất đội tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch là năm 2018. Đến nay đã là 6 năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thi đấu tốt trận bán kết lượt về, sau đó nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Chặng đường còn lại sẽ không dễ dàng, đòi hỏi toàn đội phải tập trung cao độ. Đội tuyển rất mong người hâm mộ sẽ tiếp tục đồng hành cổ vũ, dù là qua truyền hình hay đến sân trực tiếp. Chúng tôi quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra”.