Tuần đầu kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Trong tuần qua, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 10 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Luật Lưu trữ sửa đổi; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô sửa đổi; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ theo quy trình tại một kỳ họp; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi.
Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Đồng thời, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật khác và quyết định các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Tuần qua, Quốc hội cũng đã thảo luận nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như: Thay đổi về cơ chế, chính sách để gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đến đúng đối tượng; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; gỡ vướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quy định cấm nồng nộ cồn và trừ điểm với giấy phép lái xe; những thách thức của nền kinh tế; công khai giải quyết kiến nghị của cử tri…
Đáng chú ý trong tuần qua, ngày 20/5, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, với tỷ lệ tán thành tuyệt đối, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Trần Thanh Mẫn. Sau khi được Quốc hội bầu, dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Tiếp đó, ngày 22/5, sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi có kết quả biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.
Vụ cháy nhà trong ngõ trên phố Trung Kính, khiến 14 người bị tử vong
Rạng sáng ngày 24/5, đã xảy ra vụ cháy nhà dân trong ngõ tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình, cho thuê để ở trọ và sửa chữa xe điện, cách mặt phố Trung Kính khoảng 200 m, nên xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường. Ngay khi nhận được thông tin, Công an thành phố đã điều động tối đa lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn đến hiện trường phối hợp các lực lượng cơ sở và người dân địa phương tổ chức chữa cháy. Đến khoảng 7 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã xác định có 14 người tử vong và nhiều người khác phải đưa đi cấp cứu.
Trong sáng 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Phụ trách Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã trực tiếp có mặt, kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ cháy.
Ngay sau vụ cháy, TP Hà Nội đã ra công văn hoả tốc về khắc phục hậu quả vụ cháy, giao nhiệm vụ cho Giám đốc Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan, khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định pháp luật; giao nhiệm vụ cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy hỗ trợ 50 triệu đồng đối với người tử vong, 30 triệu đồng đối với người bị thương trong vụ cháy.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn trong vụ cháy nhà ở phố Trung Kính; đồng thời, ký ban hành Công điện số 52/CĐ-TTg chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); yêu cầu các cơ quan liên tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới...
Tăng cường quản lý thị trường vàng
Tuần qua, các giải pháp căn cơ quản lý thị trường vàng nóng trở lại, thu hút sư quan tâm của dư luận. Phiên đấu thầu thứ 9 ngày 23/5 chứng kiến vàng của Ngân hàng Nhà nước bán gần hết, với 13.400 lượng, mức cao nhất một tháng qua. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường, trong đó có 6 phiên đấu thầu thành công, với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng vàng.
Việc đấu thầu là giải pháp tăng nguồn cung để trung hòa nhu cầu thị trường, giúp "hạ nhiệt" giá vàng miếng về sát với thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về dài hạn, việc độc quyền vàng miếng cần được xóa bỏ. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, giá vàng biến động tăng cao, sẽ ảnh hưởng lớn đến bài toán tỷ giá và lo ngại vấn đề “vàng hoá” có thể quay lại, nhất là trong bối cảnh giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 15 - 20 triệu đồng/lượng.
Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý cần trình Chính phủ các giải pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường vàng, tránh chênh lệch cao giữa giá vàng SJC và các loại vàng khác, cũng như chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Lần đầu tiên có quy định về tiền điện tử
Tuần qua, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nghị định số 52/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong đó, việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử tại Nghị định 52/CP sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành.
Nghị định 52/CP bổ sung một số quy định về tiền điện tử; trong đó, định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử, quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán, đối tượng cung ứng tiền điện tử và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Nghị định mới sẽ hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt; tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.
Huy động mọi nguồn lực thông hầm đường sắt Chí Thạnh
Trưa 21/5 đã xảy ra vụ sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (gần ga Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) khi đang trong quá trình phong tỏa để thi công cải tạo, kiên cố hóa hầm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ngành Đường sắt đã phối hợp với Ban Quản lý dự án giao thông 85 (Bộ GTVT) tập trung khoan thăm dò, đánh giá địa chất, bơm bê tông, gia cố nóc hầm, chống sạt lở tiếp.
Theo Ban Quản lý dự án 85, địa chất tại khu vực hầm đường sắt Chí Thạnh phức tạp, khó lường, thay đổi liên tục, nên việc thi công, sửa chữa, khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn, công nhân vừa thi công vừa quan trắc, theo dõi và có những cảnh báo nguy hiểm xảy ra, thực hiện đảm bảo an toàn lao động. Hiện trạng hầm cho thấy đã xuống cấp và có nguy cơ cao sạt lở cao.
Đoàn công tác của Bộ GTVT hiện đã có mặt tại hiện trường kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở và huy động tối đa mọi nguồn lực thông hầm. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, công tác khắc phục sạt lở hoàn thành và có thể thông hầm đầu tuần tới.
30 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm
Trong tuần qua, đã có khoảng 30 trường đại học công bố kết quả xét tuyển sớm năm học 2024-2025. Ở phương thức xét tuyển sớm, các trường thường chia làm nhiều đợt, sau mỗi đợt sẽ có điểm chuẩn riêng với nguyên tắc điểm chuẩn đợt sau không thấp hơn đợt đã công bố trước đó.
Thông tin từ một số trường “hot” như Trường Đại học Luật Hà Nội, mức điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ cao nhất 30/30 điểm vào ngành Luật Kinh tế, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) điểm chuẩn là 28,6, tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) điểm chuẩn là 27,64. Học viện Hàng không Việt Nam đã vừa công bố kết quả xét tuyển sớm năm 2024 theo phương thức xét học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực. Với phương thức xét học bạ THPT, điểm chuẩn dao động từ 18 - 27 điểm. Còn với phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố điểm chuẩn vào trường dao động từ 650 - 800 điểm. Ở cả 2 phương thức, ngành Quản lý hoạt động bay - Chương trình học tiếng Anh đều có điểm chuẩn cao nhất...
Trước đó, nhiều trường đại học, học viện đã công bố điểm chuẩn học bạ THPT như các Trường Đại học: Văn Hiến, Hòa Bình, Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh, Phan Thiết... Trong những năm gần đây, phương thức xét tuyển học bạ THPT được nhiều thí sinh lựa chọn để giảm áp lực thi cử và tăng cơ hội trúng tuyển đại học.