Thủ tướng đối thoại với thanh niên
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), sáng 26/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt và đối thoại với thanh niên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển, Thanh niên Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa là lực lượng đông đảo, vừa là lực lượng không thể thiếu, có mặt và đóng góp công sức trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.
Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra các nội dung: Đâu là vấn đề cốt lõi để thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước; đề nghị thanh niên hiến kế, góp phần cùng Chính phủ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; các thanh niên đã đóng góp gì cho công cuộc xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số?
Trước vấn đề Thủ tướng đặt ra, các đại biểu cho rằng, vấn đề cốt lõi của thanh niên trong xã hội số là văn hóa số; đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy tắc ứng xử của thanh niên nói riêng và Đảng bộ, cán bộ, công chức nói chung trên môi trường số.
Các thanh niên cũng cho rằng, tiện ích mà công nghệ số đem lại cho người dân là một trong những mục tiêu cốt lỗi của chuyển đổi số. Do đó, Chính phủ cần hoàn thiện tốt hơn các công cụ, đồng thời lập các kênh giao tiếp để người dân phản hồi, đóng góp cho quá trình chuyển đổi số Quốc gia…
Hà Nội công bố thi ba môn vào lớp 10 công lập
Hà Nội vừa công bố lịch thi chính thức vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 gồm ba môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn.
Thời gian tổ chức kỳ thi diễn ra vào ngày 8 và 9/6/2024. Những thí sinh đăng ký vào các lớp, trường chuyên sẽ thi thêm ngày 10/6. Điểm xét tuyển bằng tổng điểm môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, cộng điểm ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có). Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa ba nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 thuộc khu vực bất kỳ. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và 3 phải cao hơn 1 và 2 điểm so với nguyện vọng 1.
Thí sinh tham gia kỳ thi lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội cần có hộ khẩu Hà Nội hoặc có bố, mẹ, người giám hộ có hộ khẩu Hà Nội.
Riêng với Trường THPT Chu Văn An, học sinh các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra, có kết quả học tập năm học lớp 9 THCS xếp loại kết quả học lực giỏi, xếp loại hạnh kiểm tốt và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh được đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên của trường.
Năm nay, Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của thành phố là 81.200, chiếm hơn 61%.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect bị tấn công mạng
Liên quan đến sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) ngày 25/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc tạm thời ngắt kết nối của VNDirect tới HNX.
Căn cứ trên kết quả khắc phục của VNDirect, HNX sẽ đánh giá và xem xét cho phép kết nối giao dịch trở lại. Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect thông tin chính thức về sự cố hệ thống giao dịch trực tuyến của VNDirect. Theo đó, từ 24/3, toàn bộ hệ thống của VNDirect bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được. Đội ngũ công nghệ của VNDirect đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên sẽ cần thêm thời gian để kết nối.
Công ty cũng đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng như đã phối hợp xử lý cùng công an để đảm bảo ngăn chặn sự cố tương tự như VNDirect cho an toàn của thị trường.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các quy trình kiểm soát rủi ro, biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống cấp bách, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, quyền lợi cho nhà đầu tư.
Tiếp tục xét xử Vụ án Vạn Thịnh Phát
Trong tuần, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục diễn ra với phần bào chữa cho các bị cáo của luật sư.
Đáng chú ý, với bị cáo Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án 14 - 15 năm tù giam về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong phần tự bào chữa, Nguyễn Văn Hưng trình bày, với vai trò là Phó chánh Thanh tra, bị cáo không chủ động và không chỉ đạo sửa số liệu về thực trạng tại Ngân hàng SCB; không phụ trách đoàn thanh tra đi thanh tra mà chỉ là người ký quyết định thanh tra. Bị cáo mắc sai phạm là do tại thời điểm năm 2017 - 2018 bị giao khối lượng công việc quá lớn khiến bị quá tải.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước bị cáo trạng xác định là người trực tiếp làm trưởng đoàn thanh tra nhưng đã nhận tiền từ Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) để bao che, bưng bít sai phạm của SCB.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng Đỗ Thị Nhàn nhận số tiền hối lộ đặc biệt lớn, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo tinh vi làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Thanh tra nên đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt án chung thân về tội “nhận hối lộ”.
Tự bào chữa, Đỗ Thị Nhàn trình bày, sau khi nhận tiền nhưng không tiêu xài số tiền đó mà để nguyên rồi giao nộp lại cho cơ quan điều tra. Trong thời gian bị tạm giam, bị cáo ân hận về hành vi của mình, xấu hổ cho bản thân và gia đình.
Dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra đến 29/4/2024.
Khởi tố, bắt tạm giam 2 quan chức Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Shark Thủy
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 bị can: nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu "Thi công tuyến chính dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi"; bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Trước đó, liên quan vụ án Công ty Tập đoàn Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 15 bị can, trong đó có: cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa.
Cũng trong tuần, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Thủy (Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục EGroup, tức Shark Thủy) và Đặng Văn Hiển (Trưởng ban quan hệ cổ đông Công ty EGame) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 25/3 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các lệnh nói trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.
Năm 2023, Nguyễn Ngọc Thủy bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi. Bên cạnh đó, hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông Thủy cũng gặp "lùm xùm" khi bị nhiều phụ huynh tố trung tâm yêu cầu học sinh đóng tiền học trước nhưng sau đó đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.