Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng hoa Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
|
Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ: Với trên 40 năm công tác, bà đã có 11 năm gắn bó với ngành, trong đó 5 năm trên cương vị Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là quãng thời gian có ý nghĩa, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đời, trước hết là được sống, làm việc trong một tập thể đoàn kết, giàu ý chí, khát vọng vươn lên – một tập thể luôn luôn biết lắng nghe nên đã làm được nhiều việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, trong 5 năm qua, cùng với sự chung tay, góp sức, ủng hộ của tập thể lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gặt hái nhiều thành quả quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Bà Phạm Thị Hải Chuyền tin tưởng tân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung – người đã có quá trình trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều vị trí - sẽ phát huy năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, cùng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, xây dựng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trở thành một tập thể đoàn kết, mạnh mẽ, đủ bản lĩnh, trí tuệ, tiếp tục đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và những công việc mới được Đảng, Nhà nước giao phó.
Cảm ơn nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, tân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ làm hết sức mình vì sự phát triển của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Tân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tập thể lãnh đạo các đơn vị tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể các chính sách an sinh xã hội trên mọi lĩnh vực để sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách mới cho phù hợp, không được nợ đọng văn bản; tăng cường quản lý, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách, huy động mọi nguồn lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công; thực hiện tốt chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện quan hệ lao động, điều kiện lao động, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đổi mới căn bản toàn diện vấn đề đào tạo, dạy nghề theo hướng tiếp cận thị trường; đẩy mạnh giảm nghèo theo hướng bền vững, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn, tiếp tục nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội, tăng cường bảo đảm các quyền của trẻ em...
Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai công việc, công khai hóa, minh bạch hóa từ chủ trương đến thực thi công vụ, trong đó, chú trọng 3 khâu: mở rộng quan hệ công tác, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo động lực thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành.