Ông Lý Quang Diệu và dấu ấn với Bình Dương

Singapore là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào Bình Dương. Đến nay, Singapore có 1 dự án đầu tư với tổng vốn 1,722 tỷ USD (hiện đứng thứ 4 trong số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Bình Dương).

Thành công và tạo tiếng vang nhiều nhất là dự án Khu công nghiệp Việt Nam –Singapore (VSIP) do Tổng Công ty Becamex IDC (Việt Nam) và Sembcorp (Singapore) liên doanh làm chủ đầu. Khu công nghiệp VSIP trở thành “biểu tượng” hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam và Singapore, là khu công nghiệp hình mẫu của cả nước, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường; góp phần rất quan trọng cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Singapore.

Ông Lý Quang Diệu xem mô hình thành phố mới Bình Dương đang được triển khai xây dựng trong chuyến  thăm làm việc với Công ty liên doanh TNHH Việt Nam-Singapore năm 2009. Ảnh: Quách Lắm-TTXVN


Và dấu ấn của ông Lý Quang Diệu trong những chuyến khảo sát phát triển công nghiệp từ 20 năm trước đến Bình Dương, khiến lãnh đạo và người dân tỉnh Bình Dương bồi hồi tiếc thương ngài cố Thủ tướng Singapore vừa từ trần.

Những chuyến thăm đầy tâm huyết


Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương bồi hồi nhớ lại, 20 năm trước, khi đó còn là tỉnh Sông Bé, Thủ tướng Lý Quang Diệu của đất nước Singapore đã đến tận nơi khảo sát địa điểm dự kiến đặt Khu công nghiệp VSIP ở thị xã Thuận An ngày nay.

Khi đặt chân đến Bình Dương, ông động viên lãnh đạo tỉnh hãy tiếp tục làm công nghiệp, chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai. Ông rất quan tâm đến Bình Dương, đặc biệt là việc triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP tại địa bàn của tỉnh. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bình Dương đã 4 lần vinh dự đón ngài Lý Quang Diệu đến thăm.

Ông Liêm bồi hồi kể: Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp năng động nhất cả nước xuất phát từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong quá trình thúc đẩy hợp tác với Singapore thông qua việc thành lập Khu công nghiệp VSIP xây dựng đầu tiên tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Còn ông Lý Quang Diệu được cho là người đã đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển quan hệ hợp tác giữa Singapore và Việt Nam.

Mười năm sau kể từ chuyến viếng thăm đầu tiên, ngày 20/1/2007, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc này là Bộ trưởng cố vấn cao cấp của Singapore đã đến thăm VSIP lần thứ hai. Tại cuộc gặp gỡ lần thứ hai này, ngài Lý Quang Diệu đã quan tâm tìm hiểu nguồn nhân lực phát triển công nghiệp, công tác cải cách hành chính, công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh Bình Dương. Trong sổ lưu bút tại Khu công nghiệp VSIP, ông Lý Quang Diệu từng viết “Một sự phát triển vượt bậc trong vòng 10 năm kể từ lần viếng thăm đầu tiên của tôi”.

Sau khi làm Bộ trưởng cố vấn cao cấp Chính phủ Singapore, ông Lý Quang Diệu thăm khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II – Bình Dương) nằm trong Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 17/4/2009, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Trong những chuyến thăm đầy tâm huyết đến Bình Dương, ông rất ấn tượng về sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất công nghiệp này.

VSIP, biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam - Singapore

Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) được hình thành dựa trên nền tảng tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore. Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore, một liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước do những tập đoàn có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản như Tổng công ty đầu tư và phát triển Becamex (Bình Dương) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) dẫn đầu được thành lập để thực hiện dự án VSIP từ năm 1996.

Từ “khởi xướng” KCN đầu tiên, đến nay VSIP đã và đang phát triển tổng cộng 5 dự án trên khắp cả nước với tổng quỹ đất hơn 6.000 hécta bao gồm đất công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Các dự án này bao gồm 2 dự án tại miền Nam (tỉnh Bình Dương), 2 dự án tại miền Bắc (tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) và gần đây nhất là dự án tại miền Trung (tỉnh Quảng Ngãi) đã thu hút mạnh các nhà đầu tư.

VSIP được khởi đầu với dự án phát triển xây dựng KCN VSIP I diện tích 500 ha tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, qua 19 năm xây dựng đã hình thành nên một chuỗi gồm ba khu công nghiệp lớn tại Bình Dương với diện tích trên 2.500 ha. Trong đó, đáng chú ý KCN VSIP I tại thị xã Thuận An với diện tích 500 ha, đến nay 100% diện tích đã lấp đầy với 240 dự án đầu tư tổng số vốn 2,7 tỷ USD đến từ 29 quốc gia, vùng lãnh thổ. VSIP I cũng tạo ra 76.741 việc làm cho người lao động và góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh Bình Dương. Hiện tại, VSIP I đang hình thành các dự án phức hợp Trung tâm Thương mại – dịch vụ - nhà ở để tạo môi trường sinh hoạt, vui chơi và làm việc trong khu công nghiệp.

Tiếp theo thành công của khu công nghiệp VSIP I, khu công nghiệp VSIP II được hình thành và lấp đầy 98% diện tích, thu hút 128 dự án đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD, tạo việc làm cho 42.192 lao động. Năm 2008, nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất ngày càng tăng của các nhà đầu tư; VSIP đã triển khai mở rộng dự án VSIP II thêm 1.700 ha bao gồm 1.000 ha phát triển khu công nghiệp và 700 ha phát triển khu đô thị và dịch vụ. Đến nay, dự án lấp đầy khoảng 50% diện tích đất công nghiệp.

Sau 19 năm hình thành và phát triển, hệ thống khu công nghiệp VSIP đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho hơn 500 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 7,4 tỉ USD và cung cấp việc làm cho 140 nghìn lao động địa phương. Với sự thành công của các dự án đã triển khai và tầm vóc của các dự án đang và sắp triển khai, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore được xem như là một trong những khu đô thị và khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam và là biểu tượng thành công của sự hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam và Singapore.


Dương Chí Tưởng (TTXVN)

Singapore vĩnh biệt người cha già lập quốc Lý Quang Diệu
Singapore vĩnh biệt người cha già lập quốc Lý Quang Diệu

Dù biết trước sẽ đến ngày này nhưng sự ra đi của vị cha già lập quốc Lý Quang Diệu sau một thời gian dài lâm bệnh nặng vẫn khiến người dân Đảo quốc Sư tử không khỏi đau buồn và tiếc thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN