Oramed (Israel) hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam thương mại hóa vaccine ngừa COVID-19 dạng uống

Ngày 29/12, tại 3 đầu cầu trực tuyến Việt Nam, Israel và Mỹ đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận hợp tác, thương mại hóa vaccine ngừa COVID-19 dạng uống độc quyền toàn khu vực Đông Nam Á giữa Công ty Cổ phần đầu tư Tân Thành Holdings - Công ty Cổ phần 10 Pharma (Việt Nam) và Công ty Oravax Medical Inc (Mỹ) - Công ty Oravax Medical Ltd (Israel).

Oravax Medical do Oramed Pharmaceuticals và một số cổ đông khác thành lập vào năm 2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, cùng tham dự và chứng kiến lễ ký tại đầu cầu Việt Nam có đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; tại đầu cầu trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Israel có cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán và các khách mời Israel.

Thỏa thuận bao gồm việc Tân Thành Holdings và 10 Pharma sẽ độc quyền phân phối vaccine của Oravax tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. Thỏa thuận hợp tác trị giá hàng trăm triệu USD cho Oravax và bao gồm các khoản thanh toán dựa trên các mốc lâm sàng, hướng tới chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine tại Việt Nam. 

Giám đốc điều hành Oramed và Chủ tịch Oravax, ông Nadav Kidron cho biết: “Thỏa thuận hợp tác, bao gồm việc mua trước vaccine ngừa COVID-19 đường uống của Oravax, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Oravax Medical. Tân Thành Holdings là đối tác lý tưởng để chúng tôi mang hợp tác đưa vaccine dạng uống này đến Việt Nam và khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với dân số trên 660 triệu dân. Vaccine ngừa COVID-19 dạng uống sẽ cải thiện đáng kể áp lực hậu cần tiêm chủng và giảm chi phí, so với các yêu cầu cơ sở hạ tầng khó khăn của vaccine dạng tiêm như hiện tại, cũng như được kì vọng giúp giảm thiểu tác dụng phụ không mong muốn”.

Phát biểu tại lễ ký, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng khẳng định hợp tác giữa Tân Thành và Oramed có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác về y tế công nghệ cao, cả về thương mại và chuyển giao công nghệ. Đây là hướng đi hoàn toàn mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thứ hai, nội dung hợp tác hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của chính phủ và đáp ứng nhu cầu ở trong nước về tiếp cận nguồn vaccine, chủ động trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ vào sản xuất vaccine ở Việt Nam. Thứ ba, toàn bộ quá trình 2 bên đàm phán trong 5 tháng vừa qua được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, bao gồm cả lễ ký. Đây là cách làm mới, linh hoạt, hiệu quả, phản ánh quyết tâm hợp tác của 2 bên trong điều kiện đại dịch. 

Quá trình hai bên đàm phán trong thời gian vừa qua có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel với vai trò kết nối, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất để hai bên đạt được thỏa thuận cùng có lợi. Tiến sĩ Miriam Kidron, nhà khoa học trưởng của Oramed cho biết: "Rất ít vaccine trên thế giới có thể đưa vào cơ thể người qua đường uống thay vì tiêm. Đây là thế mạnh công nghệ đặc biệt của Oramed và chúng tôi hy vọng sản phẩm sẽ sớm có mặt trên thị trường".

Vaccine đường uống của Oravax nhắm vào 3 protein bề mặt của virus SARS-CoV-2, bao gồm các protein ít nhạy cảm hơn với đột biến, do đó có hiệu quả hơn khi chống lại các biến thể hiện nay và các biến thể khác sau này nếu có. Công nghệ của Oravax có khả năng mở rộng sản xuất và dễ dàng chuyển giao để phân phối trên quy mô lớn về mặt hậu cần vì không đòi hỏi việc bảo quản đông lạnh. Công nghệ này là thành quả nghiên cứu của Giáo sư Avram Hershko - nhà sinh hóa học người Israel, đoạt giải Nobel Hóa học năm 2004 và được phát triển thử nghiệm tiền lâm sàng bởi Oramed Pharmaceuticals. Vaccine của Oravax hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 tại Nam Phi. 

Tân Thành là doanh nghiệp đầu tư đa ngành có trụ sở tại Việt Nam, với chiến lược đầu tư lớn vào lĩnh vực dược và dược liệu. Doanh nghiệp này cho rằng việc chuyển giao công nghệ trong tương lai sẽ góp phần giúp Việt Nam chủ động nguồn vaccine chống dịch và nâng cao vị thế cũng như vai trò của Việt Nam về y tế trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang ứng phó với dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp như hiện tại.

Vũ Hội - Quang Minh - Văn Ứng (TTXVN)
Hơn 147,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam
Hơn 147,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam

Trong ngày 27/12/2021 có 891.311 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 147.271.054 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 77.262.656 liều, tiêm mũi 2 là 66.866.022 và tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 3.142.376 liều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN