Video GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội trả lời phỏng vấn:
Ông có nhận xét gì về cơ chế đặc thù đã giúp cho dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được triển khai nhanh chóng?
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô là dự án nhóm quan trọng quốc gia được Quốc hội cho phép xây dựng cơ chế đặc thù và giao trực tiếp dự án này cho địa phương có liên quan quản lý. Đồng thời dự án này được thực hiện cơ chế đặc thù, đó là tách giải phóng mặt bằng (GPMB) ra khỏi dự án đầu tư.
Chính nhờ cơ chế đặc thù này nên tiến độ triển khai đường Vành đai 4 vùng Thủ đô rất nhanh. Chỉ một năm sau khi được Quốc hội thông qua, về cơ bản công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, trong khi phần lớn các dự án khác ở một số địa phương luôn ách tắc chính là ở khâu GPMB.
Nhờ có cơ chế huy động các nguồn lực của thành phố đã giúp cho quá trình đầu tư dự án, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đền bù, bồi thường cho người dân để người dân thỏa mãn và sẵn sàng thực hiện việc di dời, đã giúp cho quá trình đầu tư dự án nhanh chóng.
Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô là dự án quan trọng quốc gia được triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư. Ông có thể cho biết lý do Quốc hội đưa ra phương thức đầu tư này?
Đối tác công tư là một trong những phương thức mà chúng ta đang khuyến khích đầu tư để thu hút sự tham gia về nguồn lực của xã hội cũng như khả năng quản trị, khả năng đầu tư và khả năng vận hành của khu vực tư.
Rõ ràng dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô là một trong những dự án giao thông có lợi thế để khai thác được phương thức đối tác công tư này. Cho nên đây là một dự án đã được Quốc hội đồng ý cho phép thực hiện kết hợp cả phần đầu tư công và phần khai thác hợp tác công tư có thể vận hành tham gia của cá nhân.
Việc trao quyền cho địa phương thực hiện, thực chất là giao trách nhiệm để đảm bảo tiến độ dự án.
Vậy theo ông cần có cơ chế giám sát việc phân cấp này như thế nào để vừa phát huy được vai trò chủ động của địa phương, vừa đảm bảo được việc đầu tư?
Chính việc trao quyền cho địa phương thực hiện là cơ chế để chúng ta giám sát tốt hơn. Vì khi đó cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương sẽ không phải là người trực tiếp thực hiện, và như vậy ngay trong bộ máy quản lý nhà nước đã có sự giám sát giữa cơ quan quản lý ở Trung ương với cơ quan thực hiện ở địa phương. Đồng thời giao cho địa phương thực hiện thì người dân địa phương cũng được tham gia nhiều hơn trong quá trình giám sát đầu tư, thực hiện hoạt động của dự án.
Cái quan trọng cuối cùng là kết quả mang lại của dự án sẽ phản ánh việc thực hiện đầu tư ra sao để nhà đầu tư giải trình trong hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng.
Quốc hội đã có kế hoạch giám sát tối cao đối với dự án này. Xin ông cho biết lý do gì để dự án được lựa chọn được giám sát và sẽ giám sát những nội dung cụ thể nào?
Rõ ràng đây là một dự án lớn thuộc tầm quốc gia nhưng lại được phân cấp trao cho địa phương thực hiện. Cho nên việc thí điểm cơ chế đặc thù như thế cần phải có đánh giá, xem xét dự án ở cấp độ tổng thể xem đạt được những gì, cái gì khó khăn.
Chính vì vậy, giám sát tối cao ở đây không phải đi kiểm tra đánh giá dự án, mà để giám sát cả một quyết định của Quốc hội khi có chủ trương đầu tư dự án, điểm nào là ưu điểm, những gì là phù hợp. Thông qua đó để có những điều chỉnh và tạo cơ chế chính sách mới trong việc áp dụng cho nhiều dự án mới trong tương lại.
Tôi nghĩ rằng, trước hết chúng ta phải đánh giá được những cơ chế, chính sách đặc thù đã được trao quyền cho địa phương thực hiện, hay việc tách riêng cơ chế đền bù GPMB ra khỏi dự án đầu tư cũng như việc thực hiện cơ chế, chính sách về bồi thường không quá lệ thuộc vào những quy định không còn phù hợp. Trên cơ sở đó chúng ta thấy rõ khi trao cho địa phương thực hiện sẽ tăng trách nhiệm, tăng quyền cho địa phương. Chính điều đó sẽ đẩy nhanh tiến độ.
Do vậy, tôi cho rằng việc phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm sẽ là một trong những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy dự án đầu tư mới trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!