Phân công, phân nhiệm rõ ràng trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nâng cao tính chuyên nghiệp đội ngũ đấu giá viên

Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản.

Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản còn khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định như: Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 3 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng đối với đấu giá viên; sửa đổi, bổ sung quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá; bổ sung quy định về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản về địa chỉ trụ sở, trưởng chi nhánh... Qua đó, tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp đại học tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá mà Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định như: quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá, lựa chọn Trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến; chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá; bảo mật tài liệu, thông tin liên quan đến người tham gia đấu giá...

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản

Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản, nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định của một số luật hiện hành liên quan cũng như các dự án luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như trách nhiệm về bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” trong quy định cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” là rất khó; do đó, đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung tại một số điều, khoản liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, nhằm bảo đảm tất cả cá nhân muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp; việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá, nhằm bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số /NQ-CP Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025...

Diệp Trương (TTXVN)
Khắc phục lỗ hổng, hạn chế tình trạng bỏ cọc trong đấu giá tài sản
Khắc phục lỗ hổng, hạn chế tình trạng bỏ cọc trong đấu giá tài sản

Tại họp báo diễn ra chiều 19/10, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã trả lời một số vấn đề báo chí, dư luận xã hội quan tâm liên quan đến lĩnh vực công tác của Bộ, ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN