Mục tiêu đến năm 2025, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu xây dựng ít nhất 300 mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả
Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025, số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước.
Xây dựng ít nhất 300 mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/ hợp tác xã nông nghiệp đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.
Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã; vận động từ 40 - 45% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên hợp tác xã nông nghiệp.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 3.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Khoảng 30% cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp (Ban giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp.
Chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Nghị quyết cũng nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm:
Xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 05 mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương. Ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực.
Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTX NN; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp thuê đất ổn định, lâu dài, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp. Lồng ghép nội dung hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình; bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã nông nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý Hợp tác xã nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn, kinh tế xanh.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn tài chính hợp pháp khác hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Nâng cao chất lượng dịch vụ công hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp về cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hiểm nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu và các dịch vụ công khác theo quy định của pháp luật.
Nâng cao vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Huy động các tổ chức quốc tế tài trợ cho hợp tác xã nông nghiệp và thành viên tham gia các chương trình, đề án, dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo.