Tham dự sự kiện có sự hiện diện của Đại sứ Việt Nam Đinh Toàn Thắng, Nghị sĩ danh dự Hélène Luc, các thành viên Hội Hữu nghị Pháp - Việt, cùng hàng trăm người dân thành phố Villejuif.
Phát biểu tại buổi lễ, Thị trưởng Pierre Garzon nhấn mạnh thành phố Villejuif được biết đến với những cuộc đấu tranh vì hòa bình và công lý, và luôn lấy quyền lợi của người dân làm định hướng để hành động. Dù là trên những con phố, trong trường học, trong các hội đoàn, dù nam giới hay phụ nữ, thì người dân thành phố Villejuif đều đấu tranh và gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, Thị trưởng Garzon khẳng định bà Trần Tố Nga lớn lên trong chiến tranh ở Việt Nam và đã không ngừng đấu tranh vì hòa bình. Bị nhiễm chất độc da cam và ảnh hưởng trực tiếp đến các thế hệ con cháu, bà đã đi đầu trong cuộc chiến lịch sử để đòi các tập đoàn hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm với những hủy hoại sinh học này, đưa những tập đoàn này ra trước công lý. Gặp rất nhiều rào cản nhưng thời gian qua bà vẫn luôn không ngừng đặt niềm tin vào công lý. Bà Trần Tố Nga đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới và đã giúp cho tiếng nói của những người bị lãng quên trong chiến tranh đã có thể được lắng nghe. Ghi nhận những cống hiến của bà, không chỉ cho cá nhân mà là cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, công lý, thành phố Villejuif chia sẻ những giá trị sâu sắc này cùng với bà Nga.
Về phần mình, Đại sứ Đinh Toàn Thắng bày tỏ vô cùng xúc động, nhấn mạnh rằng khoảnh khắc này có tầm quan trọng đặc biệt vì đây không chỉ là sự tri ân dành cho một người phụ nữ đặc biệt mà còn chia sẻ với tất cả các nạn nhân chất độc da cam. Đại sứ khẳng định quyền công dân danh dự mà thành phố Villejuif trao cho bà Trần Tố Nga hôm nay là biểu tượng mạnh mẽ của tình đoàn kết và tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Pháp, nhưng cũng là sự ghi nhận cuộc đấu tranh toàn diện của bà vì các nạn nhân chất độc da cam. Đó là cử chỉ phản ánh lòng nhân ái và sự cam kết của thành phố Villejuif đối với những người đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp và công bằng hơn.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhắc lại rằng Việt Nam đã phải trả giá đắt trong chiến tranh, đặc biệt là chất độc da cam, một chất hóa học để lại những hậu quả không thể khắc phục được đối với con người và môi trường của chúng ta. Có 3 triệu ha rừng bị phá hủy và 4,8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, mắc các bệnh hiểm nghèo như dị tật bẩm sinh, ung thư và rối loạn thần kinh. Ngày nay, nhờ có những người như bà Trần Tố Nga mà thảm kịch này không bị lãng quên. Phiên tòa xét xử chống lại các công ty hóa chất nông nghiệp cung cấp chất độc này cho quân đội Mỹ là cuộc đấu tranh mang tính biểu tượng cho tất cả các nạn nhân. Mặc dù Tòa phúc thẩm Paris đã xác nhận phán quyết của Tòa án tư pháp Evry, bác bỏ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, nhưng điều này không làm thay đổi thực tế những đau khổ gây ra, cũng như tính cấp thiết của công lý.
Đại sứ cho biết Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức như Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tài chính và y tế cho các nạn nhân. Những nỗ lực khử nhiễm ở những khu vực ô nhiễm nhất đang được tiến hành với sự giúp đỡ từ Mỹ, đặc biệt tại các địa điểm như sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng hy vọng rằng quyền công dân danh dự này sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến toàn thế giới rằng “Cuộc chiến vì công lý vẫn tiếp tục và cùng nhau chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt”.
Ông Alain Rouy, Tổng thư ký của “Phong trào vì hòa bình”, cho rằng hệ thống tư pháp của Pháp phải đứng về phía công lý của những nạn nhân.
Cuộc đời của bà Trần Tố Nga là minh chứng cho lòng dũng cảm, sự kiên trì và phẩm giá. Bà đã chọn biến nỗi đau của mình thành sức mạnh để đấu tranh đòi công lý. Cuộc đấu tranh của bà không chỉ tạo được tiếng vang ở Việt Nam mà còn ở Pháp và trên toàn thế giới.