Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

Pháp luật sẽ không bảo vệ những đối tượng người nước ngoài 'núp bóng' mua đất tại Việt Nam

Liên quan đến thông tin có hiện tượng người nước ngoài “núp bóng” mua đất ở những khu vực trọng yếu của nước ta, bên hành lang kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, phóng viên báo Tin tức đã có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề này.

Thưa ông, liên quan đến báo cáo của Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị cử tri về việc người nước ngoài “núp bóng” dưới nhiều hình thức để mua đất ở các khu vực có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng tại Việt Nam, nhất là ven biển Đà Nẵng; với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Trong những ngày qua, qua báo chí đưa tin một số khu vực đất đai liên quan đến an ninh quốc phòng, người nước ngoài được tiếp cận và được cấp quyền sử dụng đất. Đây là những thông tin mà dư luận rất quan tâm. Góc độ quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, tôi cũng đã chú ý đến vấn đề này.

Sáng 27/5, Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định cá nhân người nước ngoài không được được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bởi Luật Đất đai 2003 và 2013 đều quy định chỉ có pháp nhân, trường hợp nhà đầu tư là cá nhân nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải thành lập pháp nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp. Pháp luật của Việt Nam bảo hộ cho nhà đầu tư nước ngoài được lập công ty, được tiếp cận đất đai để đầu tư như người Việt nhưng họ không được cấp quyền sử dụng, đặc biệt là cá nhân.

Thời gian vừa qua, chúng ta cũng chú ý đến kết hợp phát triển kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng. Điều 13 của Nghị định 43, Điều 58 của Luật Đất đai 2013 quy định là đối với những khu vực quy hoạch mà liên quan đến các vị trí chiến lược an ninh quốc phòng thì bất cứ dự án nào từ khâu quy hoạch đến khi cấp giấy chứng nhận đều phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với phóng viên.

Sau khi Luật Đất đai 2013 ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vị trí tiền tiêu, có vị trí chiến lược như hải đảo, biên giới. Chúng tôi đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp do Luật Đất đai 2003 chưa quy định về vấn đề an ninh quốc phòng nên chưa hỏi ý kiến các cơ quan này.

Sau khi kiểm tra rà soát, thực hiện ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thực hiện nghiêm và những trường hợp giao không đúng thì đã thu lại hoặc chuyển sang doanh nghiệp Việt Nam. 

Còn ở Đà Nẵng, trong báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh việc trinh sát phát hiện thì không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ thành phố, đồng thời phát hiện có hiện tượng là một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài.

Nhưng khi kiểm tra thì thấy họ không vi phạm giao đất cho cá nhân. Tất cả hình thức giao đất đều cho pháp nhân - doanh nghiệp. Việc giao đất đó cho 2 trường hợp, thứ nhất là doanh nghiệp liên doanh; thứ 2 là mua cổ phần và họ đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại.

Quá trình thanh kiểm tra, Bộ cũng phát hiện một số vi phạm, như giao cho tổ chức nhưng đất đó là đất ở thì không thể kinh doanh hoặc là khu vực ấy chưa thực hiện nghiêm Luật Đất đai 2013 mà vẫn theo Luật Đất đai 2003, nghĩa là chưa hỏi ý kiến các cơ quan an ninh quốc phòng theo quy định của pháp luật…

Sau khi kiểm tra, chúng tôi cùng với Đà Nẵng, làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện cho họ hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam. Cho đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng thì toàn bộ các dự án có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động dưới các hình thức là các doanh nghiệp đã khắc phục 1 số vi phạm. Một số dự án cũng đã được chuyển giao cho người Việt Nam.

Việc xử lý những vi phạm trên đến nay đã xong. Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố Đà Nẵng đã báo cáo cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước để mọi việc rõ ràng.

Thưa ông, trong chất vấn Quốc hội lần trước, ông có trả lời chưa nghe có người nước ngoài mua đất ở các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng tại Việt Nam, vậy ông có thể nói thêm về điều này?

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Bởi Luật Đất đai quy định rất rõ. Nếu có hiện tượng đó, hãy báo cho tôi, tôi sẽ xử lý.

Câu chuyện người nước ngoài “núp bóng” để mua đất, tôi không loại trừ là có. “Núp bóng” có thể là người ngước ngoài lấy vợ, lấy chồng người Việt Nam hay người nước ngoài đưa vốn nhờ người Việt Nam thành lập công ty. Nhưng công ty đó 100% vốn Việt Nam, không phải công ty nước ngoài nên mọi quy định áp dụng theo luật Việt Nam, không thể theo luật nước ngoài được. 

Chúng ta chỉ ngại khi mối quan hệ được điều chỉnh bởi những luật về bảo hộ đầu tư hay những vấn đề khác, khi tương tác với họ mình không thể xử lý theo pháp luật Việt Nam được, lúc đó đưa ra pháp luật quốc tế.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, dưới góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam không cho phép những người “núp bóng” đó được bất cứ quyền gì cả. Pháp luật không bảo hộ cho họ.

Cùng với đó, Luật của chúng ta quy định rất chặt chẽ, nếu xảy ra sai phạm thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Nếu cấp giấy chứng nhận phải đáp ứng các điều kiện của luật, không đảm bảo là sai. 

Vậy theo ông, sắp tới chúng ta cần có những giải pháp nào để phòng ngừa những câu chuyện tương tự? 

Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chủ quan. Luật Đất đai mặc dù hết sức chặt chẽ, nhưng cuộc sống còn thay đổi và không có luật pháp nào dự báo nào hết, chúng tôi liên tục cập nhật và sẽ có các quy định điều chỉnh phù hợp.

Tôi xin nói lại là pháp luật không bảo vệ những người “núp bóng”. Nhưng tôi cũng không loại trừ là có hiện tượng “núp bóng” và có những mỗi quan hệ phức tạp. Cho nên, chúng ta phải tính toán để dự báo được chuyện này và có những quy định để kiểm soát. 

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, như trong quy hoạch thì xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về quốc phòng an ninh để đưa ra cơ chế đặc biệt trong vấn đề giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất. Trong đó, có sự tham gia một cách đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về hôn nhân gia đình để chúng ta tạo ra các tiêu chí điều kiện để hạn chế các quyền tiếp cận đất đai kể cả người trong nước và người nước ngoài để chúng ta kiểm soát được.

Ví dụ như một doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư sẽ ít phải quan tâm đến vấn đề an ninh quốc phòng nhưng sau đó, doanh nghiệp cổ phần hoá thì sẽ như thế nào? Điều kiện cổ phần hoá, việc tiếp nhận mua cổ phần, chuyển nhượng sẽ ra sao?

Hiện nay Luật Đất đai quy định khá chặt chẽ về chuyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật Nhà ở thì người nước ngoài (tất nhiên là có điều kiện) thì được mua nhà, mua căn hộ. 

Luật Đầu tư sắp tới sẽ tính, những khu vực xác định khu vực trọng yếu thì vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng. 

Sử dụng tốt nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế nhưng cũng phải kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là nhiệm vụ chiến lược, rất quan trọng. Đảm bảo an ninh quốc phòng phải huy động được thành phần kinh tế trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ chế chính sách cần phù hợp, hội nhập và đặc thù. Đây là nhiệm vụ chiến lược mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng sẽ phải tính toán. 

Nói về góc độ pháp luật thì như vậy nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào pháp luật cũng hoàn thiện. Vì vậy sắp tới cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch. Đất đai an ninh quốc phòng cũng cần đưa ra quy hoạch để biết được nơi nào là vùng chiến lược, có cơ chế rõ ràng, từ đó định ra những cơ chế và đảm bảo sự xuyên suốt trong công tác quản lý. Như vậy mới đáp ứng được hai mục tiêu song song và quan trọng như nhau là thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tại nhiều quốc gia, đã có mô hình rất hay, đầu tư cho quốc phòng và kinh tế là 2 trong 1. Ở bên dưới làm hạ tầng cho quốc phòng nhưng bên trên vẫn kinh doanh thương mại bình thường. Chúng ta cũng nên tính toán tới cơ chế đặc thù đối với đất đai an ninh quốc phòng. Nhà nước có thể lựa chọn những công ty, những tập đoàn nhà nước hoặc những tập đoàn của quân đội để làm kinh tế, một lúc 2 nhiệm vụ, vừa đầu tư cho kinh tế, vừa xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho an ninh quốc phòng. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang/Báo Tin tức (thực hiện)
Kiên Giang thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai
Kiên Giang thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai

UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Kết luận số 602/KL-TTCP ngày 27/4/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (thời kỳ 2011 - 2017). Lộ trình và thời gian thực hiện kế hoạch này từ nay đến tháng 9/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN