Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ khai mạc “Ngày Việt Nam tại Tây Ban Nha 2017”. Ảnh: Ngự Bình, P/v TTXVN tại Rome |
TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại diễn đàn:
Thưa Bà Maria Luisa Poncela, Quốc vụ khanh về thương mại;
Thưa Ngài Jose Vicente Gonzalez, Phó Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Tây Ban Nha,
Thưa Bà Inmaculada Riera, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Ban Nha,
Thưa quý vị,
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu đã tới tham dự Diễn đàn kinh tế với chủ đề “Cùng đồng hành: Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Tây Ban Nha”. Tôi chân thành cảm ơn Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Cạnh tranh, Liên đoàn giới chủ Tây Ban Nha và Phòng Thương mại và Công nghiệp Tây Ban Nha đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và các cơ quan hữu quan Việt Nam tổ chức diễn đàn quan trọng này.
Thưa các quý vị, Chúng ta gặp nhau tại Diễn đàn này trong bối cảnh cả hai nền kinh tế đang có những bước chuyển mình đầy ấn tượng. Chúng tôi rất vui mừng được chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Tây Ban Nha sau thời gian khó khăn.
Về phần mình, Việt Nam cũng đang là một trong những nền kinh tế năng động, nhiều triển vọng nhất khu vực Đông Nam Á. Đó là những tiền đề quan trọng giúp hai nước chúng ta đưa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam và Tây Ban Nha lên tầm cao mới.
Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu “tình bạn chân thành luôn giữ cánh cửa mở rộng”. 40 năm qua, quan hệ Việt Nam - Tây Ban Nha ngày càng bền chặt. Việt Nam luôn rộng mở cánh cửa chào đón những người bạn Tây Ban Nha. Như quý vị đều biết, Tây Ban Nha là thành viên EU đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược gần một thập kỷ trước. Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã trở thành nhịp cầu vững chắc gắn kết hai nước.
Trao đổi thương mại hai nước phát triển tích cực, kim ngạch tăng mạnh trong giai đoạn từ 2011- 2015, từ 1,8 tỷ USD lên 3,1 tỷ USD/năm, với tốc độ trung bình là từ 20%-25% (năm 2016, kim ngạch thương mại có đôi chút giảm sút). Tuy vậy, cũng chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch thương mại của Tây Ban Nha và chưa đến 1% của Việt Nam.
Đến nay, Tây Ban Nha có khoảng 60 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 87 triệu USD, đứng thứ 46/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Và đầu năm 2017, Việt Nam đã có dự án đầu tiên đầu tư sang Tây Ban Nha với tổng vốn đăng ký 0,5 triệu USD. Những con số còn khiếm tốn nói trên cho thấy chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các biện pháp cụ thể để hợp tác kinh tế thực sự phản ánh tiềm năng và lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước.
Thưa quý vị,
Cũng như Tây Ban Nha, Việt Nam từng đi lên từ khói lửa, tro tàn của chiến tranh và sự chia cắt. Ít ai tưởng tượng rằng chỉ hơn ba thập kỷ sau khi thống nhất đất nước, chúng tôi đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng với khu vực, là đối tác quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như một câu chuyện thành công về kinh tế, là một điểm sáng về thu hút đầu tư và du lịch. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 300 tỷ USD vốn Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó vốn thực hiện trên 154 tỷ USD.
Riêng năm 2016, với quyết tâm và nỗ lực lớn của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc, với số doanh nghiệp lập mới đạt mức kỷ lục trên 100.000; FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% - mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt kỷ lục 10 triệu lượt người và chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa nhờ những nỗ lực cải cách, chính sách thông thoáng, cởi mở.
Việt Nam đạt được những thành công bước đầu nêu trên, một phần lớn là nhờ vào “ba ổn định”: ổn định về chính trị-an ninh; ổn định của chính sách thu hút/ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài; và cuối cùng là ổn định trong chủ trương không ngừng đổi mới, cải cách chính sách kinh tế.
Trong nhiều thập kỷ qua, cho dù có những biến động ở nơi này, nơi khác trên thế giới và khu vực, chính trị - xã hội Việt Nam vẫn luôn ổn định; chính sách cải cách kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và trở thành mục tiêu chung của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, chính sách thu hút và ưu đãi mà Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài luôn được đánh giá là nhất quán, thông thoáng bậc nhất khu vực.
Với những nỗ lực đó, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác phát triển và đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng ở mức 6% được duy trì trong suốt hơn 20 năm qua và thị trường lớn với 92 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu sẽ chiếm hơn 50% dân số vào năm 2035, hứa hẹn một thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng cho hàng hóa Tây Ban Nha.
Chỉ riêng lĩnh vực phát triển hạ tầng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 6.000 km đường cao tốc, xây dựng mới nhiều sân bay, mở rộng vận tải đường biển với việc phát triển nhiều cảng nước sâu, nâng cấp hàng loạt các hệ thống đường sắt dọc chiều dài đất nước. Sự mở rộng và phát triển mới của các khu đô thị và khu công nghiệp sẽ đẩy nhu cầu xử lý nước thải trên cả nước tăng xấp xỉ 20%/năm.
Hơn thế nữa, Việt Nam ở tâm điểm của các liên kết kinh tế quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đang khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng kết nối với các thị trường lớn trên thế giới thông qua Cộng đồng Kinh tế ASEAN và một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết hoặc trong quá trình hoàn tất với 55 đối tác trong đó có 15 đối tác là thành viên của G20.
Tôi tin rằng sau khi EVFTA đi vào triển khai, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Tây Ban Nha sẽ thực sự cất cánh. Bên cạnh đó, hai nước chúng ta cùng có tiềm năng lớn về du lịch - yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế cũng như giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Thưa các quý vị, Kinh nghiệm phát triển từ “Sự thần kỳ Tây Ban Nha” (Spanish Miracle) trước đây và sự thành công của quá trình cải cách kinh tế gần đây đã đưa Tây Ban Nha vào bản đồ các nền kinh tế dẫn đầu về mạng lưới cơ sở hạ tầng, công nghệ điều khiển hàng không, đóng tàu, đường sắt, nông nghiệp, năng lượng tái tạo và phát triển du lịch. Đây cũng chính là những lĩnh vực ưu tiên trong chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ các đối tác chiến lược như Tây Ban Nha.
Hai nền kinh tế của chúng ta có sự bổ sung cho nhau rất lớn. Chính phủ hai nước đã và đang tiếp tục nỗ lực tạo dựng những môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp. Ngay buổi sáng ngày hôm nay, tôi và bà Quốc vụ khanh về thương mại Tây Ban Nha Maria Luisa Poncela vừa chứng kiến lễ ký thoả thuận thành lập Uỷ ban hỗn hợp về thương mại và đầu tư Việt Nam - Tây Ban Nha.
Uỷ ban hỗn hợp sẽ giúp chính phủ hai nước đánh giá những tiềm năng hợp tác, kịp thời tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ để thúc đẩy những dự án lớn, trọng điểm giữa Việt Nam và Tây Ban Nha. Chúng tôi cũng chứng kiến lễ ký Hiệp định Chương trình tài chính V, là cam kết hỗ trợ của Chính phủ Tây Ban Nha trong xây dựng đường Metro số 5, là dự án mà các doanh nghiệp Tây Ban Nha hiện rất quan tâm.
Thưa các quý vị, Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa cải cách, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Tây Ban Nha. Chúng tôi luôn chào đón các bạn tới Việt Nam. Tôi tin là các bạn sẽ thành công và thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi.
Trong diễn đàn ngày hôm nay có sự tham gia của lãnh đạo hai bộ kinh tế quan trọng của chúng tôi. Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trực tiếp giới thiệu thêm với quí vị những lĩnh vực mà hai bên có khả năng hợp tác.
Tôi xin chúc quí vị sức khoẻ và hạnh phúc, chúc diễn đàn thành công tốt đẹp.
Xin cảm ơn.