Không phải bỗng dưng dư luận để tâm chuyện nhân sự của Đại hội XIV. Hai năm nữa là tới sự kiện trọng đại này, song thách thức đặt ra cho Đảng đang nhiều hơn thuận lợi. Đó là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, sức ép lạm phát lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số nơi có xu hướng suy giảm. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc. Đời sống của người lao động vì thế mà cũng gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, tình hình thế giới và khu vực lại có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường.
Đại hội XIV tổ chức đúng vào thời điểm đất nước ta trải qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Bởi vậy, chuyện Đảng ta dự định lựa chọn, bố trí ai vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo- nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đủ sức gánh vác nhiệm vụ to lớn, nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân.
Dư luận đặc biệt đồng tình với phát biểu của Tổng Bí thư: “công tác nhân sự Đại hội là vô cùng quan trọng nhưng cũng hết sức phức tạp, khó khăn, nặng nề, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả hệ thống chính trị phải làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, với quyết tâm, nỗ lực rất lớn, có cách làm thật sự công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Ý kiến về việc này, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ: Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết”. Quan điểm này là nguyên tắc tối cao trong quá trình lãnh đạo cách mạng, là một trong những nguyên nhân đưa đến thành công của cách mạng Việt Nam. Việc “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết” của Người không chỉ là mục tiêu, là hành động đấu tranh, giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước, mà còn hướng tới lợi ích của nhân dân. Yêu nước không thể chung chung, trừu tượng. Yêu nước chính là yêu nhân dân, là đem lại độc lập, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Nhìn quan điểm này trong tình hình công tác nhân sự hiện nay, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức khẳng định: Rõ ràng song hành với khó khăn, thách thức là thời cơ, vận hội. Vị thế của đất nước chưa bao giờ to lớn như hiện nay. Việt Nam đang làm bạn với tất cả các nước. Các quốc gia, các cường quốc đều muốn quan hệ, muốn nâng cấp quan hệ đối với Việt Nam. Trong tình hình mới và với những điều kiện đó, người cán bộ lại càng cần có bản lĩnh, toàn tâm, toàn ý phát huy năng lực để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người cán bộ phải đặt lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của tập thể, của đất nước lên trên lợi ích cá nhân.
“Giai cấp nằm trong cộng đồng, giai cấp nằm trong nhân dân. Đảng nằm trong dân, Đảng là của dân”, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức khẳng định.
Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cũng đồng tình với phân tích thẳng thắn của Tổng Bí thư về những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ. Trong đó, có những người lúc nào cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc, quên cả “thanh liêm, danh dự”.
“Vào thời điểm đất nước vừa đứng trước những vận hội lớn, nhưng cũng vừa nước sôi, lửa bỏng này, nếu không giải quyết được những tồn đọng nhiều năm, nhiều khóa này, rất khó thực hiện được ước mơ, khát vọng đất nước hùng cường của chúng ta”, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức bộc bạch.
Cho biết đọc rất kỹ bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng", Đại tá Nguyễn Văn Niên, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, (trú tại Khương Trung, Đống Đa, Hà Nội) đặc biệt tâm đắc với yêu cầu của Tổng Bí thư là phải “đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
“Những năm 60, có một khẩu hiệu dán ở khắp nơi là: Tổ quốc trên hết. Ở đây nghĩa là, người cán bộ, đảng viên phải đặt Tổ quốc lên trên hết, phải đặt Đảng lên trên hết. Không thể đặt lợi ích của mình lên trên”, đại tá Nguyễn Văn Niên bày tỏ, song cũng thẳng thắn "nói thì dễ nhưng làm lại không dễ, phải rất công tâm, phải rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến của những người xung quanh”.
Đại tá Nguyễn Văn Niên cũng bày tỏ, ông vẫn thường nghĩ vì sao Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam lại quy tụ được những người ưu tú nhất vào hệ thống, hấp dẫn được cả dân tộc tham gia vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại? Đó chính là bởi mục đích, mục tiêu cao nhất của Đảng là lợi ích của nhân dân. Và thực tiễn kể từ ngày lập nước đã cho thấy, khi có được sự đồng lòng thì một dân tộc nhỏ bé cũng có thể trở thành vĩ đại. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ là minh chứng rất rõ đường lối đúng đắn của Đảng được sự tin tưởng của nhân dân đã đi đến thắng lợi trọn vẹn và vĩ đại.
“Để thành công trên con đường mà Bác Hồ, Đảng và dân tộc đã lựa chọn, công tác nhân sự sắp tới là vô cùng quan trọng. Chỉ khi có đội ngũ cán bộ tốt thì mới có chính sách phù hợp hơn, tốt hơn để đất nước phát triển mà lại không bị mất cán bộ. Có như vậy mới giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ”, ông Nguyễn Văn Niên bày tỏ.