Phật giáo đồng hành cùng dân tộc: Ngăn chặn hành vi sai lệch, chấn hưng đạo pháp

Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2022 – 2027) đưa ra chủ đề: "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển", đặt vấn đề nêu cao kỷ cương, giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của tăng, ni, Phật tử là trên hết, trước hết.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 25 tại Việt Nam Quốc tự tại (TP Hồ Chí Minh), ngày 22/5/2024 (tức ngày 15/4 Âm lịch). Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Văn kiện Đại hội đã chỉ ra rằng, một vài tăng, ni đã vi phạm giới luật, thiếu chuẩn mực trong sinh hoạt đời sống làm ảnh hưởng đến đạo và hình ảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Con số ấy mặc dù không nhiều so với tỷ lệ khoảng 55.000 tăng, ni trong toàn Giáo hội hiện nay, nhưng sức ảnh hưởng của các nhà tu hành là rất lớn đối với hàng chục triệu Phật tử trong và ngoài nước, nên mỗi một thành viên tăng đoàn thiếu chính niệm là đã để lại cái nhìn không đúng đắn về người xuất gia và uy tín của Giáo hội.

Thời gian qua, sự việc một số nhà sư có những thuyết giảng trái đời, ngược đạo, gây hoang mang, bức xúc dư luận, phá hoại đức tin, đã làm tổn hại tới thanh danh Phật giáo, tạo cơ hội cho những phần tử thù địch lợi dụng để đưa ra những đánh giá phiến diện, sai lệch về bức tranh tự do tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ những phát ngôn thiếu chuẩn mực, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân của một số nhà sư, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân, Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) hay một số hãng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA, BBC đã cố tình xuyên tạc, đưa ra những cáo buộc vô căn cứ, "bôi đen" thành tựu về bảo đảm tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chúng sử dụng thủ đoạn đánh tráo khái niệm, gán sự kiện, vụ việc vi phạm hành chính, dân sự, không liên quan đến niềm tin tôn giáo quy chụp thành mâu thuẫn, xung đột tôn giáo, đàn áp tôn giáo, để rồi thúc ép Quốc hội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC), "cần theo dõi về tự do tôn giáo" (SWL).

Ai cũng hiểu rằng đó là chiêu bài của chúng hòng gây nên những bất ổn về chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm chia rẽ, suy yếu đất nước ta, tiến tới cuộc "cách mạng màu", bạo loạn, lật đổ.

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Nội vụ trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phản ánh, "gần đây trên không gian mạng xuất hiện nhiều vị tu sĩ thuyết pháp mang tính mê tín dị đoan, chê bai nghề nghiệp của người dân và đi ngược giáo lý nhà Phật, gây phản cảm, bức xúc trong cộng đồng dân cư. Việc này diễn ra thường xuyên, kéo dài nhưng chưa có thông tin cơ quan nào làm việc, nhắc nhở hay xử lý. Từ đó gây tâm lý hoang mang trong người dân và có thể xảy ra xung đột giữa các tôn giáo và các tín đồ". Cử tri đề nghị cần có giải pháp quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp trên.

Thực tế, các quy tắc thuyết giảng đã được Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành tại Quyết định số 09/QĐ-BHP. Trong đó nhấn mạnh, "tăng, ni giảng sư phải thuyết giảng đúng với tinh thần chính pháp, đảm bảo uy nghi và ngôn ngữ người xuất gia, không tuyên truyền cổ xúy mê tín dị đoan, tôn trọng phong tục, tập quán tín ngưỡng, vùng miền, tránh gây mất đoàn kết trong cộng đồng xã hội".

Tăng, ni giảng sư phải giảng phù hợp với chủ trương của Giáo hội về công tác truyền thông hoằng pháp; giảng sư không được phê phán pháp môn khác, không tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, không xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nội dung thuyết giảng không được thông tin sai sự thật gây hoang mang trong quần chúng…

Để Phật giáo thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần, việc chấn chỉnh những sai lệch trong đời sống tu hành là vô cùng cần thiết. Nói như Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh, "với tăng ni, mục đích duy nhất là tu và học; luôn đặt mình, sống trong chính pháp, trong đạo đức, góp phần làm thanh tịnh tăng đoàn, có như thế tổ chức Giáo hội mới trang nghiêm, để lại hình ảnh đẹp trong lòng Phật tử và đối với quần chúng".

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng từng huấn thị các chư tăng thuộc Ban Trị sự Phật giáo TP Hồ Chí Minh trong một buổi lễ vào tháng 11/2024 rằng, với người tu hành và hành đạo thì không sợ ác ma bên ngoài phá hoại, "mà điều đáng sợ là mỗi tăng, ni, Phật tử giải đãi, biếng nhác, không lo học tập Phật pháp, không chịu thực hành lời Phật dạy, không ý thức giữ gìn giới luật". Không có gì quan trọng và tốt đẹp hơn tinh thần tu học để giữ vững chánh kiến, qua đó nhận thức đúng về mọi việc theo lời Phật dạy. "Có chánh kiến thì sẽ không lo lắng trước các hiện tượng trong đời sống xã hội".

Sáu năm qua, hàng năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh đều tổ chức Tuần huân tu tập trung cho các chư tôn đức tăng, ni. Trong khuôn khổ Tuần huân tu và Khóa bồi dưỡng trụ trì năm nay kéo dài 10 ngày (đầu tháng 12/2024), các tăng, ni đã được tu bồi về giới luật, nghi lễ, sinh hoạt giáo hội, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hành đạo, cập nhật các quy định mới về pháp luật liên quan tới tôn giáo…

"Muốn nâng cao hiệu quả và chất lượng phụng sự đạo pháp, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều biến động tiêu cực và cơ hội thách thức như hiện nay, bản thân mỗi người con Phật phải tỉnh thức và chính niệm, nghiêm trì giới luật, công phu tu tập để đạt được trí tuệ giải thoát, có như vậy mới không mắc vào vòng lợi danh trong quá trình đồng hành cống hiến cho dân tộc và nhân loại", theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hơn lúc nào hết, tăng, ni cần phải trau dồi giới đức, phẩm hạnh của một tỳ kheo, hạnh nguyện của một sứ giả Như Lai hành Bồ tát đạo, tùy duyên bất biến giữ gìn giá trị nhân văn, bản sắc và sự trong sáng của đạo Phật trong thời đại ngày nay - thông điệp ấy đã được Ban thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu nhân Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc: Gắn đạo với đời
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc: Gắn đạo với đời

"Phật pháp bất ly thế gian giác", đó cũng là điều hiển nhiên của một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, một tôn giáo nhập thế, nhân văn, nhân bản, luôn hướng con người đến cái đẹp và lòng từ bi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN