Nhiều đại biểu cho rằng, mô hình hợp tác xã là mô hình đặc trưng và mang tính lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, việc quan tâm, chú trọng hoàn thiện khung chính sách pháp luật để tạo hành lang pháp lý, tạo cơ chế để phát triển mô hình hợp tác xã là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế hiện nay đã xuất hiện các xu hướng mới và công nghệ mới, đòi hỏi các mô hình chủ thể kinh doanh phải năng động, cởi mở và tăng tốc, bứt phá hơn. Trước những yêu cầu đó, việc xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với quan điểm là tạo sự thông thoáng và tăng cường hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã, góp phần vào việc phát triển kinh tế chung của đất nước là rất cùng phù hợp.
Đánh giá về bản chất của hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, đa số hợp tác xã đang hoạt động hiện nay, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu quy mô siêu nhỏ. Một số hợp tác xã được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy đúng vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất của hợp tác xã. Đại biểu phân tích, trong xu thế phát triển hiện nay, việc khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã là cần thiết, đã phản ánh đúng bản chất xã hội của hợp tác xã, tránh các trường hợp hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân trá hình hoạt động theo mô hình hợp tác xã để trục lợi chính sách.
Tuy nhiên, phân tích về tính hợp lý trong việc quy định thành viên trong mô hình hợp tác xã, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Hồ Chí Minh) cho rằng cần xem xét, nghiên cứu lại việc mở rộng đối tượng thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đối với thành viên chỉ góp vốn. Theo đại biểu, nếu thành viên liên kết có góp vốn nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động chỉ nhằm mục đích chia lợi nhuận là không đúng với bản chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư nhân. “Nguyên tắc hợp tác xã là hoạt động nhằm mục đích phục vụ nhu cầu chung về kinh tế, xã hội, văn hóa của các thành viên, khác với các tổ chức doanh nghiệp chủ yếu hoạt động vì mục đích lợi nhuận”, đại biểu nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, mục đích của việc mở rộng đối tượng thành viên liên kết nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế hợp tác huy động thêm vốn, tiềm lực kinh tế để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, đối với những cá nhân và tổ chức không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác thì có thể cho tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn theo một hợp đồng kinh tế hay hợp đồng hợp tác kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.
Phân tích về Quỹ hợp tác xã, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, cần làm rõ hơn về nguồn vốn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ là thuộc tổ chức nào, khả năng hoạt động ra sao để tránh chồng chéo, trùng lắp với các hoạt động của tổ chức ngân hàng, quỹ tín dụng. Quy định quỹ được huy động vốn và cho vay trong các thành viên có thể bị chế tài theo quy định của ngân hàng không, có hiệu quả là tốt nhưng không hiệu quả, thua lỗ, mất khả năng thanh toán cho người góp vốn thì tổ chức nào sẽ chịu trách nhiệm. Ngành ngân hàng thì Nhà nước có can thiệp, hỗ trợ, còn Quỹ hợp tác xã sẽ ra sao nếu xảy ra ra sự cố nhằm bảo vệ các thành viên góp vốn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hoạt động tín dụng nội bộ của tổ chức kinh tế hợp tác được cho phép hoạt động nhưng quy định rất mờ nhạt, chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến phức tạp trong quản lý, điều hành, quyết toán thuế, lãi suất huy động cũng như cho vay. Kinh tế hợp tác là tổ chức tự nguyện, hoạt động theo điều lệ và luật, nếu bắt buộc báo cáo theo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước là chưa hợp lý, chỉ cần công bố kết quả định kỳ hàng năm trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin, còn cơ quan quản lý nhà nước muốn biết hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác thì đề nghị báo cáo, không bắt buộc phải báo cáo định kỳ.
Các đại biểu cũng đề nghị cần đặt Liên minh Hợp tác xã vào đúng vai trò của nó để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, quy định rõ hơn nữa về các nguồn lực, điều kiện, nhiệm vụ hoạt động của Liên minh Hợp tác xã với vai trò là nòng cốt trong các tổ chức đại diện trong giai đoạn mới để phù hợp với những vai trò đã được xác định…