Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” diễn ra chiều 3/9, tại Hà Nội.
Cuộc vận động là sự kiện lớn được đồng chỉ đạo và tổ chức bởi các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương - cơ quan Thường trực tổ chức Cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, tư tưởng của Đảng luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; đồng thời đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế với những thành tựu đạt được trong suốt thời gian qua.
Cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, qua đó phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa bởi doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng điều chỉnh chính sách mà còn được tham gia trong quá trình góp ý hoạch định chính sách, góp phần tạo sự minh bạch và hiệu quả chính sách.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế nhiều năm qua cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã tham gia góp ý vào các chính sách phát triển kinh tế. Chính vì vậy, Cuộc vận động này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn các ý kiến, giúp xây dựng các chính sách có tính thực tiễn và mang hơi thở cuộc sống.
"Thông qua Cuộc vận động này, tôi cho rằng vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp là rất quan trọng bởi đây là cơ hội để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình", ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo Ban tổ chức Cuộc vận động, mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, quy mô lớn hay nhỏ, ở trong hay ngoài nước, của Nhà nước hay tư nhân đều được Ban Tổ chức Cuộc vận động trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Cuộc vận động sẽ thu hút được trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nhân, không phân biệt khối tư nhân hay Nhà nước và không chỉ trong phạm vi địa lý Việt Nam...
Cũng theo ông Thiên, những doanh nhân người Việt ở nước ngoài là một lực lượng có cách tiếp cận thể chế rất hiện đại gắn với hội nhập bởi họ có những gợi ý chính sách được cho là vô cùng thiết thực nhằm giúp cho chính sách mang tính khuyến khích nhiều hơn, đặc biệt là khuyến khích ở lĩnh vực công nghệ cao.
Tại Lễ phát động, đại diện Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã bấm nút khai trương Website của cuộc vận động tại địa chỉ: https://doanhnhangopy.vn/.
Theo Ban tổ chức, Cuộc vận động sẽ tiếp nhận góp ý, đề xuất từ nay đến ngày 31/12/2019 theo dấu bưu điện hoặc ngày gửi thư điện tử. Những góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân gửi tối đa 1 tác phẩm tham dự với một hoặc một số nội dung góp ý, đề xuất phù hợp với mục tiêu và thể lệ của Cuộc vận động. Các doanh nghiệp, doanh nhân, các cá nhân, tập thể thuộc đối tượng tham gia Cuộc vận động gửi tác phẩm góp ý, đề xuất qua bưu điện hoặc thư điện tử.
Địa chỉ nhận bài dự thi là Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà A4, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội hoặc Email: [email protected]
Bài dự thi xuất sắc nhất sẽ nhận được giải Đặc biệt trị giá 300 triệu đồng kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban tổ chức. Ngoài ra, còn có 2 giải Nhất, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng; 5 giải Nhì, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng; 10 giải Ba, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 20 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.