Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.

Nhân dịp này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài viết: "Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, Quân đội nhân dân quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc". Báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết:

Sau thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sự kiện lịch sử trọng đại đó mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ phát súng đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến, cùng quân và dân cả nước nhất tề vùng lên kháng chiến và đã giành được thắng lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền của dân tộc. Trong ảnh: Đại đoàn quân ta từ các cửa ô tiến vào giải phóng Thủ Đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Lẽ ra, từ đây nhân dân ta sẽ được sống trong hòa bình độc lập, tự do để tập trung sức xây dựng đất nước nhưng tiếc thay, khát vọng hòa bình chính đáng đó của dân tộc Việt Nam chưa thể thành hiện thực, bởi thực dân Pháp đã dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Được đế quốc Anh và Mỹ tiếp sức ở miền Nam, thực dân Pháp đã tráo trở, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. Đúng như nhận định của Thường vụ Trung ương Đảng tại Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ nhất (19/10/1946): “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp” (1). Tháng 11/1946, quân Pháp gây xung đột và khiêu khích ta ở Hải Phòng; đầu tháng 12/1946, chúng chiếm Đà Nẵng, Lạng Sơn; ngày 17/12/1946, chúng gây hấn ở Thủ đô Hà Nội... Đặc biệt, ngày 18/12/1946, chỉ huy quân Pháp đã gửi tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho chúng trong vòng 48 giờ.

Với khát vọng hòa bình, độc lập, dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm tất cả những gì có thể, nhân nhượng và kiềm chế hết mức, nỗ lực đàm phán với chính quyền Pháp, nhưng không thành công. “Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa” (2). Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” (3). Tiếp đó, ngày 22/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” chống thực dân Pháp xâm lược.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Tiếp đó, quân dân các địa phương khắp từ Bắc vào Nam, như: Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…, đồng loạt đứng lên kháng chiến. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài liên tục suốt 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ thực tiễn cách mạng đã khẳng định: Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với dấu mốc lịch sử của những ngày toàn quốc kháng chiến do nhiều nhân tố hợp thành; trong đó, sự lãnh đạo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đường lối đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định nhất. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, cũng như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần, khí phách, truyền thống yêu nước, giữ nước của cả dân tộc; ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (4); tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước” (5); đó là khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Thắng lợi của Toàn quốc kháng chiến cũng như trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã để lại một trong những bài học kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng Quân đội của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh chóng, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng..., tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới. Đối với đất nước ta, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt... Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta có sự phát triển, yêu cầu cao hơn, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn. Trước bối cảnh đó, hơn bao giờ hết Quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò là lực lượng nòng cốt càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, đòi hỏi Quân đội ta phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa và phát huy tốt bài học về sức mạnh chính trị tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân trong những ngày toàn quốc kháng chiến phù hợp với điều kiện mới; trong đó, tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Trước hết, phải tiếp tục xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; thường xuyên giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội, trọng tâm là giáo dục về mục tiêu, lý tưởng, đường lối cách mạng của Đảng; quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, phải giáo dục, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng,... nhằm thống nhất nhận thức, củng cố quyết tâm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” (6). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay, chúng ta cần quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng về đối tác, đối tượng theo quan điểm của Đảng.

Trong thời gian tới, trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 124-CT/QUTW ngày 31/3/2011 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác, giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Theo đó, phải tích cực đổi mới toàn diện cả nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục theo hướng, sát với đối tượng và từng loại hình đơn vị. Trọng tâm là giáo dục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Trước sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thông tin, đa chiều, đa phương tiện, các cơ quan, đơn vị toàn quân phải triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền gắn với định hướng tư tưởng cho bộ đội và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, nhất là trước những vấn đề, sự kiện phức tạp, nhạy cảm, tạo sự đồng thuận với chủ trương, quan điểm của Đảng; chủ động nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa và các hành động chống phá, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đảng bộ Quân đội và toàn quân phải gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 8/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cấp ủy các cấp cần bổ sung nội dung thực hiện Chỉ thị vào chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nghị quyết của cấp ủy cấp mình, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn quân, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành ý thức tự giác, việc làm thường xuyên của từng tổ chức và mỗi quân nhân. Quá trình tổ chức triển khai, cần chú trọng phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI); gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng và phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tạo động lực tinh thần và sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn quân, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Thực tiễn khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phải tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Đây vừa là nguyên tắc lãnh đạo, vừa là yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân; đồng thời, là nhân tố bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (7), đúng như huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội và các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong đó, cần chú trọng tạo chuyển biến về đổi mới phương thức lãnh đạo, chấp hành nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, có trình độ, năng lực quản lý, chỉ huy, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Chú trọng công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cả trước mắt và lâu dài; gắn kiện toàn cấp ủy với tổ chức chỉ huy, cán bộ chủ trì; xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên. Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng chống lộ lọt thông tin, các hoạt động cài cắm, xâm nhập, phá hoại của địch, bảo đảm cơ quan, đơn vị tuyệt đối an toàn về chính trị.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, thực hiện tốt công tác dự báo chiến lược; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, giải pháp bảo vệ Tổ quốc.

Công tác dự báo và tham mưu chiến lược có vai trò rất quan trọng. Dự báo đúng thì tham mưu đúng, hành động đúng và nếu dự báo sai thì sẽ tham mưu sai, hành động sai. Để thực hiện tốt công tác này, các đơn vị trong toàn quân, nhất là cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phải thường xuyên quán triệt, nắm vững Nghị quyết số 347/NQ/QUTW ngày 23/5/2015 của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng tham mưu và dự báo chiến lược quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng, nhất là lực lượng Công an, Đối ngoại để nắm chắc những biến động, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trên Biển Đông, biên giới và nội địa. Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đối sách xử lý hiệu quả các tình huống và trong quan hệ đối ngoại; bảo đảm không bị động, bất ngờ về chiến lược, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình phải được triển khai chặt chẽ, nền nếp ở tất cả các cấp, nhất là cấp chiến lược.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao. Các đơn vị toàn quân, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đóng quân ở vùng biển, đảo, biên giới, phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Cơ quan quân sự địa phương các cấp phải thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong tình hình mới, Quân đội phải tập trung quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương và nhiệm vụ đối ngoại được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, trực tiếp là Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo phương châm: “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”, nâng cao năng lực đánh giá, dự báo tình hình, vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng để xử lý đúng đắn những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế về lĩnh vực quốc phòng.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cấp uỷ, chỉ huy các cấp phải chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về tổ chức lực lượng Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Quá trình xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng phải bảo đảm yêu cầu “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”, cân đối cơ cấu hợp lý giữa các thành phần quân chủng, binh chủng, giữa khối cơ quan và đơn vị, giữa khối chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ưu tiên đảm bảo quân số cho các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên tuyến biên giới, biển, đảo. Để nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội, phải thường xuyên coi trọng công tác huấn luyện. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, các đơn vị cần tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện chiến đấu theo hướng: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát với thực tế chiến đấu, yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến và địa bàn hoạt động. Trong đó, chú trọng nâng cao khả năng khai thác, sử dụng thuần thục các loại vũ khí, trang bị hiện có, nhất là các loại vũ khí, trang bị, phương tiện mới, hiện đại. Đồng thời, tăng cường tổ chức diễn tập tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng và diễn tập hiệp đồng với các lực lượng trong khu vực phòng thủ ở các quy mô khác nhau; diễn tập và huấn luyện các lực lượng đặc nhiệm, tác chiến biển, đảo, cứu hộ cứu nạn, phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai,... nhằm nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo bước chuyển biến mới, vững chắc trong công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu.

Các cơ quan, đơn vị cần triển khai thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết dứt điểm mặt yếu, khâu yếu, xác định rõ khâu đột phá trong từng năm, từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trước hết, cần chú trọng nâng cao trình độ chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý bộ đội, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật, thống nhất về lễ tiết, tác phong quân nhân và thực hiện nền nếp các chế độ quy định. Phải kết hợp chặt chẽ xây dựng chính quy với công tác rèn luyện kỷ luật tạo bước phát triển mới, sự chuyển biến tích cực về chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước; phấn đấu giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc nghiêm trọng, nhất là mất an toàn trong huấn luyện, diễn tập, lao động sản xuất và khi tham gia giao thông.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước hết, cần bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác; trong đó ưu tiên đảm bảo cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới. Chú trọng nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng hệ thống kho tàng hậu cần, kỹ thuật cấp chiến dịch, chiến lược trên các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của khu vực phòng thủ, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến của các lực lượng khi có tình huống xảy ra. Phải coi trọng quản lý, khai thác, nâng cao hệ số kỹ thuật và duy trì đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là các loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại của lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đặc biệt, phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 06/NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; trọng tâm là triển khai quy hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, nhằm bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội. Trong đó, phấn đấu làm chủ công nghệ chế tạo một số loại vũ khí, trang bị mới, hiện đại cho lục quân và các quân chủng, binh chủng, từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại. Cùng với đó, phải quan tâm đúng mức, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện, vững chắc các mặt công tác khác, như: nghiên cứu khoa học quân sự, kế hoạch - đầu tư, tài chính, pháp chế, tư pháp, thanh tra, dân tộc, chính sách,… góp phần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm là, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để tăng cường sức mạnh quốc phòng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Các cơ quan, đơn vị toàn quân cần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn, nhất là ở khu vực biên giới, biển, đảo. Đặc biệt, cơ quan quân sự các cấp phải đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tổ chức triển khai xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trước hết, phải chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong tình hình mới. Trong quá trình thực hiện phải thấu suốt quan điểm của Đảng về mục tiêu, yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đồng thời gắn chặt với nền an ninh nhân dân ở từng khu vực, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nhằm đáp ứng tốt nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến.

Để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị định số 152/2007/NĐ/CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ”; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải đặc biệt coi trọng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở bằng các chủ trương, chính sách hợp lòng dân và các chương trình, dự án, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016) là dịp chúng ta ôn lại và tự hào về truyền thống của dân tộc, về những ngày tháng hào hùng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy sự kiện lịch sử trọng đại này đã lùi xa, song ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... vẫn vẹn nguyên trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tạo cơ sở cho việc thực hiện quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

TTXVN/Tin Tức
Về nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”
Về nơi Bác viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”

Nằm trong ngôi làng cổ ven bờ sông Nhuệ (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày này đón nhiều đoàn khách tới tưởng niệm, báo công với Bác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN