Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ trì cuộc họp.
Cùng dự có các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023.
Qua 3 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cơ quan báo chí và nhân dân. Đặc biệt, thành công của Giải lần thứ ba đã tiếp tục khẳng định Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy, cổ vũ mạnh mẽ vai trò của báo chí, của nhân dân đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Uy tín và chất lượng của Giải ngày càng được nâng lên, thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, thu hút sự quan tâm tham gia hưởng tích cực của đông đảo các cơ quan báo chí, các nhà báo trong cả nước và sự ủng hộ của nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp xuất sắc góp phần vào thành công của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2017-2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 5 cá nhân.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 đã công bố dự thảo Thể lệ Giải. Thể lệ nêu rõ, các tác phẩm tham dự giải tập trung phản ánh việc phổ biến, tuyên truyền kết quả tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; đấu tranh, lên án các biểu hiện bè phái, cục bộ địa phương và "lợi ích nhóm", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Bên cạnh đó, các tác phẩm dự giải cần tập trung phản ánh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, những thành tựu, kết quả, những cách làm có hiệu quả của các cơ quan Trung ương, các địa phương, cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân...
Đồng thời, các tác phẩm dự thi phản ánh những khó khăn, thách thức và định hướng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát hiện, phản ánh những chủ trương, chính sách, quy định hiện hành còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực…
Tác phẩm tham dự Giải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023. Các loại hình báo chí tham dự Giải gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Thời gian tiếp nhận bài từ ngày phát động đến ngày 31/8/2023 (tính theo dấu bưu điện). Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí, trong đó, giải đặc biệt trị giá 100 triệu đồng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với các dự thảo kế hoạch triển khai, Thể lệ Giải lần thứ tư; cho ý kiến vào nội dung yêu cầu cơ cấu giải đã được đề cập trong thể lệ Giải, thảo luận thống nhất phân công nhiệm vụ cụ thể với từng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải... nhằm tạo sức lan tỏa hơn nữa cho Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023 tới đông đảo các cơ quan báo chí và nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022- 2023 diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ra sức quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới với nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Báo chí ngày càng phát huy vai trò quan trọng, có những đóng góp tích cực, hiệu quả trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Để Giải lần thứ tư được triển khai theo hướng đổi mới cả nội dung và công tác tổ chức, tạo động lực thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo và người dân cả nước, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, kế hoạch triển khai Giải và nội dung Thể lệ Giải lần thứ tư cần cập nhật, cụ thể hóa những chủ trương mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là nội dung Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng nội dung phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.