Ở huyện miền núi Sông Hinh, nơi có tới 21 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chất lượng và cơ cấu, số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số luôn được chú trọng. Điều này xuất phát từ thực tế trong nhiệm kỳ qua, những đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã là người dân tộc thiểu số đã thể hiện rõ trách nhiệm trước nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Cánh đồng lúa nước rộng hơn 4,4 ha ở buôn Học, xã Ea Lâm là một trong rất nhiều dự án Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh đầu tư xuất phát từ nguyện vọng của cử tri kiến nghị tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân. Cánh đồng được đầu tư hệ thống thủy lợi dẫn nước về từ sông Ba. Hệ thống kênh dẫn nước tưới nội đồng được bê tông hóa... Tổng kinh phí thực hiện dự án này là hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài đầu tư thủy lợi, cán bộ nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho người dân. Nhờ cánh đồng lúa này, từ năm 2019 đến nay, hơn 1.000 hộ dân ở xã Ea Lâm đã chủ động được nguồn lương thực, thoát khỏi cảnh thiếu đói giáp hạt.
Chị Ksor H’ Đao, buôn Bai, xã Ea Lâm, chia sẻ: Trước kia, người dân ở đây thường xuyên thiếu đói lúc giáp hạt. Nhiều lần họp buôn, già làng và nhân dân kiến nghị cần có ruộng để trồng cấy. Các đại biểu Hội đồng nhân dân xã đã lắng nghe và kiến nghị lên huyện để thực hiện mong mỏi này của người dân. Có ruộng, cán bộ xã, cán bộ nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu... Từ đây đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế.
Ông Ma Bua, ở buôn Học, cũng vui vẻ cho biết: Trước đây, người dân trong buôn không biết lúa nước là gì, đến nay nhiều hộ đã trồng cấy lúa nước cho năng suất cao. Đặc biệt, các đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm cao, gương mẫu. Họ hứa và làm. Đồng bào rất vui và tin tưởng vào Đảng Nhà nước.
Ksor Y Đen vừa là đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Sông Hinh vừa là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ea Lâm nhiệm kỳ 2016-2021. Sống gần dân nên ông hiểu rõ nguyện vọng của đồng bào mình. Chính vì thế, ông đã kiến nghị nguyện vọng của nhân dân đến cấp trên và được giải quyết kịp thời.
Ông Ksor Y Đen cho biết: Khi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh nhiều nguyện vọng chính đáng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với vai trò người đứng đầu cấp ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân, ông rất lo lắng. Những gì thuộc thẩm quyền thì sẽ được đưa ra cấp ủy, chính quyền cấp xã bàn bạc giải quyết. Nếu cần nguồn lực đầu tư lớn thì kịp thời chuyển những kiến nghị này lên cấp trên. Thời gian qua, thủy lợi ở xã Ea Lâm đã được đầu tư khang trang, kiên cố, kinh tế phát triển nên đồng bào rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Sông Hinh là huyện miền núi thuộc diện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (huyện 30a), với 21 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong cơ cấu, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2016-2021 có 35% đại biểu là người dân tộc thiểu số.
Nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban bầu cử huyện Sông Hinh xây dựng cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số chiếm 50% số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân huyện. Qua hiệp thương lần thứ nhất, cơ cấu này đã được các thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sông Hinh tán thành. Điều thuận lợi cho việc thực hiện cơ cấu này là đến nay, đội ngũ cán bộ cấp xã, huyện tại Sông Hinh đã cơ bản đảm bảo về trình độ. Nhiều người có kiến thức chuyên sâu ở các lĩnh vực cần thiết như: Nông nghiệp, lâm nghiệp… Sống gần dân, hiểu biết về ngôn ngữ văn hóa nên các đại biểu dân cử là người đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn, kịp thời phản ánh tại nghị trường, các phiên chất vấn và nội dung giám sát…
Ông Nguyễn Chí Hiền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Hinh cho biết: Nhiệm kỳ 2016-2021, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số có sự chuyển biến lớn. Họ biết lắng nghe, tiếp thu và phản ánh kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Nhờ vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nắm bắt và cơ bản giải quyết phần lớn nguyện vọng của cử tri. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cấp xã ở huyện Sông Hinh đã được chuẩn hóa về trình độ. Công tác lựa chọn người để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 giờ đây chỉ là việc tìm người có năng lực, uy tín hơn trong cộng đồng.
Câu chuyện từ xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, cho thấy: Ở đâu chú trọng đến chất lượng đại biểu để cử tri lựa chọn được người có trách nhiệm, dám nói và dám làm thì tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được giải quyết. Nói về sự đổi thay của nhiều buôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Hinh hôm nay, cử tri đánh giá lá phiếu mà họ đã bầu chọn người đại diện cho tiếng nói của mình 5 năm trước là đúng.