Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là Nghị quyết hết sức quan trọng.
Cách đây 11 năm, khi được Bộ Chính trị ban hành, đây là Nghị quyết đầu tiên riêng về doanh nhân. Trước khi làm việc tại Cần Thơ, đoàn đã đi khảo sát một số địa phương, kết quả cho thấy Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống với những kết quả mang lại hết sức rõ nét.
Từ khi Nghị quyết được ban hành đã có rất nhiều thay đổi từ thể chế, pháp luật cho đến thực tiễn vì sự phát triển của doanh nhân. Lần đầu tiên trong Hiến pháp 2013 đã chính thức ghi nhận giới doanh nhân trong Hiến pháp, thành lập quyền kinh doanh và bảo hộ của Nhà nước. Cùng với đó, các Nghị quyết Đại hội XI, XII, XIII của Đảng đều khẳng định vai trò của doanh nhân trong sự phát triển của đất nước. Kết quả thực tế của Nghị quyết 09-NQ/TW đem lại là vai trò của đội ngũ doanh nhân đã được phát huy, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn vừa qua.
Theo ông Phạm Tấn Công, Cần Thơ có vai trò rất đặc biệt khi là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc liên kết vùng, liên kết doanh nhân trong vùng như thế nào là câu chuyện được đặt ra. Đoàn công tác mong muốn nắm được các vấn đề của Cần Thơ trong việc triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW 10 năm qua, những thành tựu, kết quả chính cùng những vấn đề nổi lên, đặc biệt là những khó khăn, thách thức cũng như các kiến nghị của thành phố trong việc xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân thời gian tới để đạt được các mục tiêu đổi mới và phát triển đất nước nói chung, cũng như của riêng Cần Thơ.
Theo Thành ủy Cần Thơ, qua hơn 10 năm tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, Nghị quyết 09-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành “kim chỉ nam” cho thành phố trong triển khai định hướng phát triển kinh tế, doanh nghiệp. Thành phố Cần Thơ tập trung chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa, sát hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của thành phố. Đồng thời, Cần Thơ tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong nghị quyết, nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nhân khu vực nông thôn; tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân…
Giai đoạn 2011-2021, thành phố Cần Thơ có 13.047 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 80.832 tỷ đồng; trung bình mỗi năm có trên 1.200 doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Thành phố hiện có 72 dự án đầu tư nước ngoài được đăng ký thực hiện với tổng số vốn trên 1,3 tỷ USD; có 23 dự án thực hiện tăng vốn đầu tư, với tổng số vốn điều chỉnh tăng là 172 triệu USD, tổng số vốn thực hiện là 412 triệu USD.
Thành ủy Cần Thơ đã ban hành chương trình hành động để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp với mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025 mỗi năm sẽ tăng 1.800 doanh nghiệp. Riêng 7 tháng đầu năm 2022 đã có 1.300 doanh nghiệp được thành lập mới. Bên cạnh đó, hàng năm, UBND thành phố đều ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc thích ứng của doanh nghiệp trong chuyển đổi số trong dòng chảy của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng năm 2030.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố hầu hết ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ; trình độ khoa học công nghệ, năng suất lao động còn thấp nên năng lực cạnh tranh yếu, gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố nhiều, chất lượng đào tạo ở mức khá tốt nhưng việc phát triển nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố. Chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại…
Trong giai đoạn tới, thành phố tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động chất lượng, hiệu quả, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; phấn đấu đến năm 2030 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ quốc gia.
Đồng thời, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục kiến tạo, tập trung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và trở thành động lực của nền kinh tế thành phố.