Đánh giá cao những kết quả tỉnh Nam Định đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 09, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh kỳ vọng trong thời gian tới, Nam Định sẽ có những giải pháp quyết liệt, đột phá hơn nhằm phát triển doanh nghiệp; phát huy tốt hơn vai trò của đội ngũ doanh nhân Nam Định.
Để xây dựng đội ngũ doanh nhân của tỉnh lớn mạnh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Nam Định cần chủ động, nắm chắc tình hình tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tỉnh cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế để thu hút đầu tư nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông ở các khu, cụm công nghiệp.
Những năm qua, Nam Định thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp phát triển. Đến nay, tỉnh đã có 10.958 doanh nghiệp và 845 chi nhánh văn phòng đại diện (tăng 2,6 lần so với thời điểm năm 2011 về số lượng doanh nghiệp). Trong đó, phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98%). Số lượng doanh nghiệp mới thành lập giai đoạn 2011 - 2021 tăng bình quân trên 20%/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, để thu hút đầu tư, tỉnh đã thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách của Chính phủ; miễn, giảm, gia hạn nộp thuế; thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng để trực tiếp giải quyết những vướng mắc trong đầu tư của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09, kinh tế của Nam Định có bước phát triển quan trọng. Quy mô nền kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 được mở rộng so với thời kỳ 2010 - 2015, tổng sản phẩm GRDP gấp 1,8 lần, tổng giá trị sản xuất công nghiệp gấp 1,8 lần, thu ngân sách gấp 2,1 lần. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 17,9%, trong khi lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tới 82,1% (tăng 6,1% so với năm 2015).
Tỉnh hiện có 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.046 ha, tổng vốn đăng ký gần 8.000 tỷ đồng và 1 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập 26 cụm công nghiệp với tổng diện tích 626 ha, trong đó 20 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích 393 ha, thu hút được 528 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 6.600 tỷ đồng.
Nam Định đã ban hành nhiều chính sách nhằm giữ gìn, khuyến khích, phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề được phân bố ở tất cả các huyện, thành phố; tổng giá trị sản xuất làng nghề năm 2021 ước đạt 6.800 tỷ đồng. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong các làng nghề đạt khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị quyết 09 tại Nam Định gặp một số hạn chế như: Tính liên kết của doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, số lượng doanh nghiệp lớn có thương hiệu chưa nhiều; chưa chú trọng đổi mới công nghệ, quảng bá sản phẩm. Việc thành lập, phát triển các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân còn hạn chế.
Tại buổi làm việc, tỉnh Nam Định cũng đề xuất với Đoàn công tác một số kiến nghị như: Đề nghị Trung ương chính sách ưu tiên dành nguồn lực về đất đai để phục vụ phát triển công nghiệp, nhất là xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp việc quyết định đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho địa phương để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong thu hút đầu tư; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nội dung chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.