Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Gấu, chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, phối hợp thực hiện công tác dân vận với lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong thực hiện công tác dân vận của Đảng; đồng thời thúc đẩy gắn kết, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Với kết quả thực tiễn triển khai, chương trình phối hợp là chủ trương đúng đắn, góp phần đổi mới phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phối hợp trong thời gian tới, ông Phạm Tất Thắng đề nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thực hiện công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang; tăng cường tổ chức quán triệt, tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về công tác dân vận.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, giải pháp mới về công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn để phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường phối hợp nắm chắc tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng” gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận xã hội, đấu tranh ngăn chặn các đối tượng phản động, phần tử xấu kích động, lôi kéo cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh tính chủ động phối hợp trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Song song đó là nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác cải cách hành chính cũng như đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận…
Năm 2023, công tác phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Công an tiếp tục duy trì và triển khai khá đồng bộ, toàn diện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và từng địa phương. Các cơ quan đã thường xuyên trao đổi thông tin, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thông qua thực hiện chương trình phối hợp đã vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua; nâng cao khả năng phối hợp giải quyết vụ việc từ cơ sở, nhất là trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố, dịch bệnh; nâng cao đời sống nhân dân gắn với củng cố quốc phòng an ninh vững chắc; đẩy mạnh phong trào thi đua “dân vận khéo”; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia làm công tác dân vận.
Công tác dân vận của lực lượng vũ trang được thực hiện tốt, huy động được sức mạnh tổng hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong tình hình mới.
Cùng với kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như công tác nắm tình hình nhân dân có nơi, có lúc chưa sâu sát, nhất là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết một số vụ việc xảy ra tại cơ sở có lúc chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa địa phương và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn trong tổ chức tuyên truyền, xây dựng, duy trì, nhân rộng mô hình, điển hình “dân vận khéo” chưa đồng bộ...