Với những nỗ lực không ngừng và những thành tích đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực công tác, phụ nữ Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên chặng đường hội nhập quốc tế.
Tiến bộ trong bình đằng giới
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về bình đẳng giới. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới.
Thực tế cho thấy, phụ nữ ngày càng tham gia và phát huy vai trò trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được tặng Huân chương Độc lập và Huân chương Lao động các hạng; hàng nghìn chị em được phong tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, nhà giáo, thầy thuốc ưu tú; nhà giáo, thầy thuốc nhân dân; nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thời gian qua có chiều hướng ngày càng tăng. Theo kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV, đã có 133 người là nữ giới trúng cử, chiếm 26,8%, đưa Việt Nam vào nhóm có tỷ lệ nữ đại biểu cao ở khu vực, xếp thứ 2 ASEAN và xếp thứ 43/143 nước trên thế giới. Có được kết quả đó, về cơ bản, trong thời gian qua Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới và coi đó là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của một xã hội.
Trong bài trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới; triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thẩm định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật bình đẳng giới ở các Bộ, ngành và địa phương.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định với nỗ lực của các cấp, các ngành đã mang lại một số kết quả nổi bật trong công tác bình đẳng giới: Hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã được các Bộ, ngành quan tâm thực hiện và từng bước có hiệu quả thiết thực. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Trong đó, các chỉ số xếp hạng liên quan tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục và tham chính đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng về bình đẳng giới trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ…
Trong buổi tọa đàm gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, Chính phủ đã đưa ra Chương trình hành động quốc gia, đi liền với đó là ban hành Luật Bình đẳng giới. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, kết hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình này. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện triển khai Luật Bình đẳng giới; đồng thời bố trí nguồn lực, lồng ghép tốt các chương trình; tăng cường kiểm tra đánh giá về bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt giáo dục tuyên truyền tốt hơn để mọi cấp mọi ngành liên quan đến bình đẳng giới.
Giải quyết vấn đề lao động việc làm
Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2017 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động cả nước là 54,43 triệu người, trong đó lao động nữ là 26,35 triệu người (chiếm 48,4% lực lượng lao động). Từ năm 1998 đến nay, công tác dạy nghề cho phụ nữ được phục hồi và từng bước phát triển. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cả nước hiện có 39 cơ sở đào tạo nghề do các cấp Hội quản lý, cơ bản đã đáp ứng nhiệm vụ dạy nghề, góp phần giải quyết việc làm cho đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ trên cả nước.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đẩy mạnh. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Việt Nam đưa được từ 80-100 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, 35-40% là nữ giới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện cho lao động nữ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc đổi mới công tác quản lý về giáo dục nghề nghiệp, được coi là một trong hai giải pháp đột phá của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, trong đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Hiện tổng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 5.000 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.
Trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi và thách thức đan xen sẽ tác động trực tiếp tới vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, trong đó có lao động nữ, Trưởng Ban nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trịnh Thanh Hằng cho rằng, Nhà nước cần xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ như: tuổi nghỉ hưu; điều kiện, môi trường làm việc, an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng các thiết chế dành cho công nhân tại các khu công nghiệp như vấn đề nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh… Bà Hằng khẳng định, giai cấp công nhân Việt Nam với 43,6% nữ công nhân viên chức lao động là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng và tạo việc làm cho các lao động nữ là một trong những trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam.