Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban ngành; các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên thuộc các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, Quốc hội đã đẩy mạnh thể chế hóa nội dung phát huy giá trị văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong các luật, các nghị quyết, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan. Từ kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/Ct-TTg ngày 1/6/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã rất quan tâm, chú trọng tới lĩnh vực này.
“Hội nghị triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường được tổ chức trực tuyến qua điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước ngay trước thềm năm học mới, thể hiện sự quan tâm, tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Bộ và toàn ngành Giáo dục” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ, đồng thời, đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành, từ đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả. Cách thức dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội được đổi mới, tăng cường liên hệ với thực tiễn, gắn với các tấm gương người thực, việc thực. Cùng với đó, giáo dục hướng tới đề cao trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thực tiễn cho thấy, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ. Vai trò của các tổ chức quần chúng trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ. Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.
Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra; tập trung xây dựng một số mô hình điểm và nhân rộng mô hình tốt; thường xuyên theo dõi, động viên, đôn đốc kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác triển khai xây dựng văn hóa học đường để kịp thời định hướng, điều chỉnh cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng. Đồng thời, vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử cần được phát huy. Chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng cần được tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động…; tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục; có giải pháp huy động sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng và xã hội; phát huy vai trò của học sinh, sinh viên trong xây dựng văn hóa học đường.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Xây dựng và phát triển văn hóa học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quan tâm trong tất cả hoạt động của nhà trường. Ngành Giáo dục đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người.
Bộ trưởng cũng chia sẻ: Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ; trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Trong đó, tập trung vào một số chủ đề chính như: Xây dựng văn hóa học đường góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Công tác chỉ đạo triển khai của Đoàn, Hội, Đội về các giải pháp phối hợp với ngành Giáo dục trong nhiệm xây dựng văn hóa học đường; Định hướng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; Xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới...