Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Hữu Đông (Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Sơn La dự Đại hội XIII của Đảng) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về công tác xây dựng, phát triển Đảng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn.   

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Xin đồng chí cho biết, những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, phát triển Đảng của tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015 - 2020?    

Trong nhiệm kỳ qua, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La với quyết tâm chính trị cao, đã phát huy truyền thống cách mạng, yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, để lại nhiều dấu ấn rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề để phát triển nhanh hơn trong nhiệm kỳ tới, đồng thời góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII của Đảng đã đề ra.   

Trong đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Sơn La đạt những kết quả quan trọng. Nổi bật là việc thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất đồng thuận trong nội bộ. Tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, hoạt động ngày càng đổi mới, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tỉnh đã giảm được hơn 400 đầu mối cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, huyện; 815 bản; gần 3.300 biên chế; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 600 tỷ đồng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; công tác phát triển đảng được thực hiện có hiệu quả. Nhiệm kỳ 2015 -2020, toàn tỉnh kết nạp được hơn 15 nghìn đảng viên; đầu nhiệm kỳ còn 47 cơ sở chưa có chi bộ, 4 cơ sở chưa có đảng viên, đến nay, 100% bản, tiểu khu, tổ dân phố có đảng viên và có chi bộ.  

Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu được nâng lên. Trong đó phải kể đến việc thực hiện nghiêm Quyết định số 319-QĐ/TU ngày 01/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Quy định số 889-QĐ/TU ngày 28/5/2019 về thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 và các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…, từ đó tạo sự chuyển biến lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.    

Xin đồng chí cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng - an ninh?   

Ngay sau Đại hội lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động và ban hành các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tỉnh đã xây dựng 9 đề án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng để cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội; đồng thời kế thừa kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo, 7 tổ công tác của tỉnh để tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các đề án.  

Chú thích ảnh
Mô hình chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao ở bản Khiêng, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN

Một trong số các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội là việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quốc hội, Chính phủ. Tỉnh rất vui mừng được Ủy ban Dân tộc chọn là địa phương triển khai điểm Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 ở tất cả các dự án. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo của UBND tỉnh tham mưu triển khai thực hiện tốt Chương trình này; hướng tới mục tiêu phát triển đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Xin đồng chí cho biết, việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới?  

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, trọng tâm là tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, điện nông thôn, công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất; kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ của giáo viên, xây dựng nhà văn hóa...   

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã quan tâm thúc đẩy phát triển sản xuất; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là 11.339 tỷ đồng. Trong đó, chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đang thực hiện tại địa phương là 10.795,006 tỷ đồng bao, gồm các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo lĩnh vực, ngành, bảo hiểm y tế; chính sách do địa phương ban hành là 319 tỷ đồng gồm kinh phí thực hiện chương trình làm đường giao thông nông thôn và kinh phí hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi và chính sách dân tộc đã được tỉnh triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, biên giới, thu hẹp khoảng cách chênh lệnh về mức sống giữa giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư. Công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương có những chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được củng cố và giữ vững. Giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc miền núi tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc miền núi ngày càng được đầu tư, hoàn thiện góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.  

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có 196/204 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 96,7%; 78% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 7,43 bác sỹ và 26,77 giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt 95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 19,6%. 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông; 66,7% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 74,5%. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 15.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50% và tỷ lệ lao động được cấp bằng, chứng chỉ đạt 18%. Trong đó, tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo đạt 41,4% và tỷ lệ lao động dân tộc thiểu số được cấp bằng, chứng chỉ đạt 16%. Sơn La hiện có 12.833 hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số và hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới được hỗ trợ phương tiện nghe radio.

Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La xác định việc tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng; trong đó, trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ.

Tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách để phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số; chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm tạo sinh kế, giải quyết việc làm gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và khả năng tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xin đồng chí cho biết, công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai thực hiện thời gian qua và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới?   

Với nhận thức công tác xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung cao cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, do đó, để làm tốt công tác giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh đã triển khai lồng ghép đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương. Đồng thời, tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đa dạng hóa sinh kế cho các hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo… Qua đó, công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh theo từng năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 34,44% năm 2015 xuống còn 18,% năm 2020. Giai đoạn 2016 - 2020, đã tạo việc làm cho 9.720 lao động từ nguồn vay vốn giải quyết việc làm với số tiền cho vay đạt trên 300 tỷ đồng; giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho khoảng 108.535 lao động, đạt 127,6% chỉ tiêu kế hoạch 5 năm, tăng khoảng 28% so với giai đoạn 2011 - 2015; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 4,1% năm 2015 xuống còn khoảng 3,8% năm 2020. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ, mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn được tỉnh triển khai kịp thời, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân; giai đoạn 2016 - 2020, đã có gần 4 triệu lượt người được cấp thẻ bảo hiểm y tế với kinh phí trên 2 tỷ đồng.  

Đặc biệt, tỉnh Sơn La có 10.041 hộ nghèo khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ, vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền trên 305,9 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020, Bộ Công an đã hỗ trợ trên 49,9 tỷ đồng, huy động trên 40.000 ngày công lao động và các hộ gia đình đóng góp trên 10 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 1.229 hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại huyện Vân Hồ. Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, nước sạch được tỉnh Sơn La quan tâm, đầu tư xây dựng với 576 công trình.

Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư để phát triển giáo dục, dạy nghề giúp nâng cao tri thức của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, đây là giải pháp xóa đói, giảm nghèo từ gốc rễ. Đồng thời, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm…) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách về giảm nghèo; khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn xã hội hóa từ cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng chung tay giúp đỡ các xã, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu giảm nghèo bền vững, các dự án giải quyết việc làm; thực hiện kịp thời các chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.  

Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La có kiến nghị, đề xuất gì với Đại hội XIII về những định hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới đối với vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng, thưa đồng chí?   

Tây Bắc là vùng có xuất phát điểm thấp, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, chịu nhiều tác động ngày càng lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai,...; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; nguồn lực phát triển còn hạn hẹp; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm một số nội dung như:

Một là tiếp tục quan tâm, xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền núi, vùng Tây Bắc, trong đó có Sơn La để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sơn La thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.

Hai là quan tâm, hỗ trợ tỉnh Sơn La trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông như: Dự án Cảng hàng không Nà Sản; đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) và Mộc Châu - Sơn La; các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng.

Ba là tăng cường đầu tư phát triển văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục - đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và khả năng tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, hiện nay số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của vùng, do đó đề nghị tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách phát triển giáo dục - đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bốn là tiếp tục ban hành các chương trình mục tiêu để tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho nhân dân gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Năm là ban hành văn bản hướng dẫn để tỉnh Sơn La có cơ sở triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Cường/TTXVN (Thực hiện)
Niềm tin và kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng
Niềm tin và kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của toàn dân tộc. Trong không khí phấn khởi, vui tươi hướng về Đại hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đặt trọn niềm tin và kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục hoạch định đường hướng phát triển đất nước một cách toàn diện trong giai đoạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN