Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến trong sáng 24/5, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, đồng thời công bố quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bản quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 8 chữ: Bản sắc – Sinh thái - Liên kết – Hạnh phúc để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về bản sắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng, là dân tộc “đa số” thay vì quan niệm dân tộc thiểu số thông thường; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng.
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã nhấn mạnh công tác giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc hướng tới xây dựng hệ thống đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhấn mạnh việc giữ chân nguồn nhân lực, phát triển du lịch và nông nghiệp dựa trên giá trị bản sắc của các cộng đồng bản địa.
Về sinh thái, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà tăng trưởng xanh còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu. Việt Nam nói chung và vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng, đang được đánh giá có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, gắn với rừng và dịch vụ môi trường rừng.
Về liên kết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Liên kết vùng nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão, lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng trong cả nước.
Nhấn mạnh yếu tố hạnh phúc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phát triển kinh tế phải đi kèm với tiến bộ, công bằng xã hội, bản quy hoạch vùng đã đề ra các định hướng nhằm giải quyết nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh biên giới, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo. Qua đó nâng cao sự hài lòng của Nhân dân về cuộc sống, trong đó có các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân, lấy sự hạnh phúc của người dân làm thước đo về sự thành công của định hướng phát triển.
Hiện nay, toàn bộ hồ sơ Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuyển giao cho các địa phương và được thông tin công khai tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.