Phát triển thương hiệu biển để khẳng định chủ quyền

Việt Nam là quốc gia không chỉ giàu về tài nguyên biển, mà còn có lịch sử - văn hóa biển lâu đời, đang từng bước khẳng định vị thế của mình trước cộng đồng quốc tế”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Chu Phạm Ngọc Hiển tại Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ VI nằm trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo do Bộ TN&MT và UBND TP Hải Phòng phối hợp tổ chức ngày 6/6 tại Hải Phòng.


Khai thác thế mạnh biển


Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ mục tiêu xây dựng nước ta thành quốc gia mạnh về biển trong khu vực, gắn liền với an ninh, quốc phòng và hợp tác quốc tế”, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.

 

Tàu thuyền của ngư dân tỉnh Kiên Giang khai thác hải sản trên ngư trường vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Ảnh:Duy Khương - TTXVN


Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định: “Thương hiệu biển sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững của kinh tế biển Việt Nam, tiếp sức mạnh cho ngư dân và khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Do đó, phát triển thương hiệu biển, kinh tế biển là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước”.

“Việt Nam cần sớm xây dựng cơ sở pháp luật vững chắc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế”.

TS Đặng Hoàng Linh


Theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, biển Việt Nam có nhiều thế mạnh to lớn, từ vị trí chiến lược đến nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên hải sản và du lịch. Cùng với đó là hệ thống cảng phát triển dọc khắp bờ biển. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khai thác, quản lý và bảo vệ vùng biển.


Mặc dù việc phát triển kinh tế biển tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại diễn đàn, giá trị hoạt động kinh tế biển Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. TS Đặng Hoàng Linh (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam) đánh giá: “Giá trị kinh tế biển của Việt Nam chỉ bằng 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản, trong khi nguồn tài nguyên của ta không hề thua kém những nước này. Đây là điều rất cần suy ngẫm”.


Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, chúng ta cần xây dựng thương hiệu, thế mạnh về một số lĩnh vực cụ thể như hàng hải, du lịch, sản phẩm thủy sản… Đặc biệt, cần phát huy thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu biển cần quan tâm đến yếu tố văn hóa, lịch sử truyền thống, tạo nên những nét đặc thù cho từng vùng, miền. “Cần liên kết, kết nối hợp tác để tạo ra chuỗi nguồn lực, chỉ có xây dựng được thương hiệu mạnh mới nâng cao được khả năng cạnh tranh, tạo bước chuyển biến trong phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng”, Thứ trưởng Hiển nói.


Phát huy sức mạnh của ngư dân


Cùng với việc tăng cường đầu tư phát triển du lịch biển, hợp tác quốc tế… thì việc đầu tư, hỗ trợ cho ngư dân và tăng cường vai trò của “tam ngư” (ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường” là việc làm rất cần thiết để khẳng định thương hiệu biển của Việt Nam. “Ngư dân bám biển là việc hết sức quan trọng, không chỉ đem đến nguồn thu từ lượng cá biển, tăng kim ngạch xuất khẩu, giúp phát triển kinh tế biển, mà sự hiện diện của ngư dân trên vùng biển Tổ quốc là yếu tố quan trọng khẳng định chủ quyền của chúng ta”, TS. Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, cho biết.

Ông Nguyễn Phúc Nhân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi: Đánh bắt cá là nghề truyền thống của người dân Quảng Ngãi, trong đó, ngư trường truyền thống là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện nay, mặc dù Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có những hành động đe dọa, đâm tàu vào ngư dân nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục bám biển, khai thác tại đây, góp phần khẳng định chủ quyền đất nước.


Cũng theo TS Vũ Thanh Ca, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta, vi phạm chủ quyền đất nước, thì việc hỗ trợ cho ngư dân là rất cần thiết. Cần sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền lợi của ngư dân hoạt động trên vùng biển quốc tế. Cùng với đó, tuyên truyền cho người dân hiểu về pháp luật để có thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước đúng theo luật quốc tế trong quá trình khai thác ngoài biển.


“Mới đây, Quốc hội có thảo luận vấn đề hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép để vươn khơi. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn, đồng hành cùng bà con trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng. Bởi họ không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước mà còn là những cột mốc, hoạch định chủ quyền biển của Việt Nam”, TS Vũ Thanh Ca cho biết.


Thu Trang

Phát triển thương hiệu Biển Việt Nam
Phát triển thương hiệu Biển Việt Nam

Ngày 6/6, tại khu du lịch biển Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Diễn đàn Thương hiệu biển đảo Việt Nam lần thứ VI năm 2014 với chủ đề “Thương hiệu Biển Việt Nam trong hội nhập quốc tế”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN