Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA). Các cử tri là đại điện doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình hội nhập thị trường toàn cầu của Việt Nam.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong thời điểm hiện nay ngoài việc khẳng định cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, mở cửa thị trường còn là cú hích tạo thêm động lực để nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID -19.
Khác với các hiệp định thương mại tự do khác, EVFTA là hiệp định thương mại song phương giữa một bên là Việt Nam, một nền kinh tế có quy mô khá nhỏ, đang phát triển với bên còn lại là liên minh gồm 27 quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời. Do đó, Việt Nam cũng được những ưu ái nhất định như EU cam kết cắt giảm thuế quan sâu hơn, lộ trình cắt giảm nhanh hơn để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường của khối. Nhưng đồng thời cũng yêu cầu Việt Nam cải cách thể chế, tạo điều kiện và đảm bảo các quyền lợi cho nhà đầu tư EU làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.
"Cho đến nay, EVFTA là hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam được đối tác cam kết cắt giảm thuế quan sâu nhất với hơn 86% dòng thuế được cắt giảm ngay, sau 7 năm thì 99,7 % dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Như vậy, hàng rào thuế quan không còn nhưng không có nghĩa là hàng hóa Việt Nam tự do vào EU bởi các rào cản phi thuế quan mới thực sự là thách thức đối với doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam", ông Phạm Bình An nhấn mạnh.
Cụ thể, hàng hóa muốn xuất khẩu vào EU và được hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ nội khối, nghĩa là nguyên phụ liệu sản xuất ra sản phẩm phải có nguồn gốc từ Việt Nam, EU hoặc các quốc gia khác đã có hiệp định thương mại tự do với EU. Trong khi đó, phần lớn nguyên phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất xuất khẩu vào EU hiện nay của Việt Nam đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ vậy, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn, người tiêu dùng EU còn đòi hỏi hàng hóa phải đáp ứng các giá trị phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường, thậm chí cả yếu tố phúc lợi động vật...
Theo ông Phạm Bình An, để tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường và ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động điều chỉnh chuỗi cung ứng, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ và quan tâm đúng mức đến các giá trị phát triển bền vững. Với những tiêu chuẩn cao đã cam kết trong EVFTA và EVIPA, việc thực thi sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có bước phát triển mới. Trong khi Chính phủ phải cải cách thể chế để đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng hơn thì các doanh nghiệp cũng phải cải tiến để nâng cao chất sản phẩm hàng hóa, chinh phục thị trường khó tính như EU.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc thông qua nghị quyết phê chuẩn các hiệp định EVFTA và EVIPA trong thời điểm hiện nay đã khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu và đã sẵn sàng thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa cũng như đầu tư. Qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế khi là quốc gia đang phát triển đầu tiên đàm phán thành công và đưa vào thực thi hiệp định thương mại tự do với một liên minh lớn mạnh và sức ảnh hưởng lớn như EU.
Cùng với các hiệp định thương mại tự do đã có từ trước, EVFTA đi vào thực thi đồng nghĩa với việc mọi doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đều có thể tiếp cận với mạng lưới đầu tư kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu thiệt hại lớn do dịch COVID -19, các chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại bị gián đoạn, các nhà đầu tư phải tìm cách dịch chuyển dòng vốn và thiết lập lại chuỗi cung ứng thì EVFTA và EVIPA sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam thu hút được các luồng đầu tư mới, chất lượng cao.
Theo ông Chu Tiến Dũng, EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng như nông sản, chế biến lương thực thực phẩm, đồ gỗ, dệt may, da giày của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận sâu hơn và chiếm giữ thị phần lớn hơn tại thị trường EU. Trong khi đó, EVIPA sẽ là động lực để các doanh nghiệp, nhà đầu tư EU đẩy mạnh hoạt động hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Ngoài vấn đề tiếp thêm nguồn vốn, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể hấp thụ các công nghệ mới, các thiết bị, máy móc chất lượng cao.
Tuy nhiên, EU là một trong những thị trường có yêu cầu về chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe bậc nhất thế giới. Để tận dụng được ưu đãi thuế quan, các ngành hàng và doanh nghiệp phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ, do đó cần nhanh chóng tìm kiếm, điều chỉnh nguồn cung nguyên liệu phù hợp. Đối với hoạt động thu hút đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp năng lực của mình một cách tương xứng, đặc biệt chú trọng đến yếu tố minh bạch thông tin và cân bằng lợi ích để đôi bên cùng có lợi.
Ở góc độ địa phương, ông Chu Tiến Dũng chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh không thể cạnh tranh với các tỉnh thành khác trong việc thu hút đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy sản xuất do giới hạn về quỹ đất công nghiệp. Nhưng đây sẽ là trung tâm kết nối giao thương, phát triển và cung cấp các dịch vụ về tài chính, công nghệ và cả nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới.