Tham gia đoàn Việt Nam còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phan Thị Kim Oanh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh.
Ra đón Phó Chủ tịch nước tại sân bay quốc tế Djerba có: Bộ trưởng Du lịch và Thủ công mỹ nghệ Tunisia Mohamed Moez Belhassine, Bộ trưởng Văn hoá Tunisia Hayet Ketat, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Tunisia Nguyễn Huy Dũng.
Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 diễn ra tại thành phố Djerba, từ ngày 19-20/11/2022, với chủ đề “Kết nối trong đa dạng: Kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ”, tập trung thảo luận tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ.
Nhân dịp này, Hội nghị sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ, bầu tổng Thư ký Pháp ngữ nhiệm kỳ 2023-2026; Xem xét thông qua nhiều văn kiện như: Tuyên bố Djerba, Nghị quyết về tình hình khủng hoảng , thoát khỏi khủng hoảng và củng cố hoà bình trong không gian Pháp ngữ, Khung Chiến lược về hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2023-2030, Quy định về thủ tục gia nhập và thay đổi quy chế thành viên Pháp ngữ.
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ được thành lập năm 1970, có 88 thành viên với mục tiêu thông qua việc chia sẻ tiếng Pháp và các giá trị phổ quát phục vụ các mục tiêu hoà bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững. thuộc 5 châu lục, với khoảng 220 triệu người nói tiếng Pháp trên tổng số 890 triệu người, chiếm 1/3 dân số thế giới. Trong đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, hoặc duy nhất hoặc cùng với một số ngôn ngữ khác, tại 32 nước và chính phủ thành viên.
Cộng đồng Pháp ngữ đã có những nỗ lực nhằm khẳng định vị thế quốc tế và tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi (UA), Liên minh châu Âu (UE), Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN)... Từ các lĩnh vực hợp tác văn hóa và kỹ thuật truyền thống, Cộng đồng đã có bước chuyển mạnh sang các hoạt động chính trị trong khi văn hóa và ngôn ngữ vẫn là một ưu tiên hàng đầu. Bảo vệ đa dạng văn hóa luôn là mục tiêu nhất quán của Cộng đồng và gắn với việc bảo vệ tiếng Pháp trên các diễn đàn quốc tế.
Việt Nam tham gia đầy đủ và tích cực, thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ, là thành viên chủ chốt của Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai triến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.