Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Sok Chenda Sophea về ý nghĩa, mục đích của chuyến thăm; phát huy những nền tảng của quan hệ song phương trong việc giữ gìn tình hữu nghị theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa hai quốc gia. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm dự kiến thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia trong hai ngày 12 và 13/7/2024 trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước. Ngài Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyến thăm này đối với quan hệ Việt Nam - Campuchia?
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là vinh dự đối với Vương quốc Campuchia. Với tôi, mỗi quốc gia đều có mối quan hệ với các quốc gia khác, trong đó cách thức biểu thị tính chất mật thiết và có ý nghĩa hơn cả chính là việc trao đổi các chuyến cấp cao. Chính vì thế, tháng 12/2023, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã đến thủ đô Hà Nội thăm chính thức Việt Nam, sau khi nhậm chức vào tháng 8/2023.
Lần này, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm Campuchia sau khi nhậm chức Chủ tịch nước hồi tháng 6 vừa qua, dù lịch trình hết sức bận rộn. Chuyến thăm cấp Nhà nước là cấp cao nhất trong các chuyến thăm ngoại giao, do đó có thể nói chuyến thăm Campuchia lần này của Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện và khẳng định cấp độ quan hệ gắn bó mật thiết ở cấp cao nhất giữa hai đất nước chúng ta.
Quan hệ Việt Nam - Campuchia đã trải qua thử thách theo thời gian, hai nước láng giềng đã đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Theo Phó Thủ tướng, những nền tảng vững chắc đó có ý nghĩa như thế nào trong tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như đóng góp cho hòa bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới?
Từ lâu hai nước đã đồng cam cộng khổ, hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam và Campuchia từng là đồng chí, từng là bạn chiến đấu và giờ đây là bạn bè hợp tác. Tuy từ ngữ khác nhau nhưng tựu trung đều có từ “bạn”, nghĩa là có sự chia sẻ, cùng chia sẻ những khó khăn, cũng như khổ đau. Người bạn thực sự chỉ được xác định khi chúng ta gặp khó khăn, gian khó. Đó những con người, là đất nước, là những người dân luôn chia sẻ với chúng ta ở mọi thời điểm, kề vai sát cánh hay cùng gánh vác với nhau, cả khi mưa giông cũng như lúc trời quang mây tạnh. Nhân dân, chính phủ hai nước đã luôn sẻ chia với nhau ở mọi thời điểm, lúc khó khăn, cũng như khi thuận lợi.
Việt Nam và Campuchia vừa kỷ niệm 57 năm ngày chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967-24/6/2024). Quan hệ Việt Nam-Campuchia đang được củng cố và phát triển theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Xin Phó Thủ tướng cho biết Campuchia triển khai phương châm này như thế nào? Đối ngoại nhân dân có vai trò như thế nào trong tiến trình này?
Phương châm này được hình thành từ năm 2005. Theo tôi, phương châm có ý nghĩa lớn lao, bao trùm mọi khía cạnh, góc độ.
Về quan hệ láng giềng tốt đẹp, khi người Campuchia nói chung xóm chung rào hay cùng phên dậu nghĩa là nhà ở gần nhau, sát bên nhau. Phàm đã là láng giềng với nhau, chúng ta luôn mong muốn hàng xóm của mình hạnh phúc, phát triển, ổn định. Từ góc nhìn đó, khi hai chính phủ Campuchia và Việt Nam nhất trí và mở đầu khẩu hiệu với vế “láng giềng tốt đẹp” là rất ý nghĩa, người dân mọi nhà ở hai nước, dù không phải là chính khách, vẫn hiểu.
Thứ hai, về quan hệ hữu nghị truyền thống, tình hữu nghị có nghĩa là luôn chia sẻ với nhau những gì mình có, cả những khó khăn và những điều tốt đẹp. Nói chuyện truyền thống nhằm nhắc nhở thế hệ trẻ mai sau. Thế hệ chúng ta hiện nay được nghe, được biết về những câu chuyện hai nước giúp đỡ lẫn nhau hơn 30 năm trước. Tuy nhiên, những thế hệ sau này, chưa từng trải qua ngọn lửa chiến tranh, chưa bao giờ nghe tiếng đạn pháo, tiếng bom, các bạn sẽ không biết rằng tình hữu nghị của hai nước đã có từ lâu đời. Thế nên, cần khẳng định tình hữu nghị này không phải mới bắt đầu từ hôm qua, mà đã thành truyền thống.
Thứ ba, quan hệ hợp tác toàn diện chính là điểm chúng ta cần nỗ lực. Vì sự thịnh vượng và lợi ích của nhân dân hai nước, chúng ta cần nỗ lực, bắt tay nhau cùng làm việc trong mọi lĩnh vực, từ quốc phòng đến giáo dục, y tế, kinh tế, thương mại, đầu tư... Chúng ta cần tận dụng cơ hội, lợi thế láng giềng gần, để cùng làm việc, như câu chuyện dân gian về chiếc đũa và bó đũa. Tinh thần đoàn kết, cùng nhau hợp tác, cùng làm việc cũng chính là thông điệp chỉ dẫn của cấp lãnh đạo.
Cuối cùng, vế “ổn định lâu dài” của phương châm này hàm chứa sự sáng suốt, chín chắn trong tầm nhìn lãnh đạo và quan hệ giữa hai nước. Bởi lẽ, để có thể phát triển vì lợi ích của người dân, mỗi quốc gia đều cần nhân tố hòa bình và ổn định này. Không có ổn định, không thể có sự tiến bộ, phát triển. Tôi đánh giá cao, khen ngợi, khâm phục Việt Nam có bước phát triển kinh tế, xã hội hết sức mạnh mẽ trong 20 năm gần đây. Điều đó có được là nhờ Việt Nam có sự ổn định, hoạt động kinh tế và nguồn đầu tư nước ngoài liên tục đổ vào.
Tương tự, đất nước Campuchia đã trải qua thời kỳ khó khăn, từ tháng 12/1998 đến nay, môi trường và điều kiện xã hội ngày càng ổn định, hòa bình, và đã đạt được những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội. Nếu không có COVID-19, cũng chưa biết Campuchia phát triển đến mức nào. Sau 3 thập kỷ khó khăn, thành công trong tăng trưởng kinh tế của Campuchia được các nước ghi nhận. Ý nghĩa và tầm quan trọng của sự ổn định lâu dài cho thấy sự sáng suốt trong quyết định của lãnh đạo hai nước.
Đối với tôi, phương châm hợp tác nói trên có giá trị như là kim chỉ nam, vừa mang tính dẫn dắt, vừa định hướng cho chúng ta thực hiện và hơn thế nữa, cho thế hệ sau. Xem, hiểu và làm theo phương châm đó, tất cả chúng ta đều an lành và phát triển và đó là những gì hai nước mong muốn.
Tôi cho rằng, bên cạnh quan hệ song phương tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai bên, Campuchia và Việt Nam còn một phần việc khác nữa, đó là bắt tay hợp tác trong khuôn khổ khu vực. Đơn cử, hai nước chúng ta đều là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta cần nỗ lực cùng nhau vì vai trò trung tâm của 10 quốc gia thành viên. Đó là ưu điểm và lợi ích của hai đất nước chúng ta.
Do đó, bên cạnh khuôn khổ hợp tác song phương, hai nước cũng cần thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ đa phương. Cụ thể, chúng ta tiến hành hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, đồng thời cũng tiến hành hợp tác giữa Việt Nam, Campuchia và Lào.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!