Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Năm 2023, ngành nội vụ để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Nội vụ diễn ra chiều 20/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, năm 2023, ngành Nội vụ đạt được nhiều thành tích, để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ, “kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, dù chưa được như mong muốn nhưng làm ấm lòng chúng ta, khích lệ chúng ta cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ, ông thường xuyên nhận các cuộc điện thoại, tin nhắn trao đổi về công việc của Bộ trưởng Nội vụ, các Thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng,... ngành nội vụ; từ đó các công việc được thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bộ trưởng giao việc có định lượng cụ thể, có đánh giá định kỳ, cho thấy quyết tâm, tinh thần quyết liệt, cách điều hành khoa học, mạch lạc nên công việc của ngành năm qua có kết quả rõ rệt - Phó Thủ tướng ghi nhận.   

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ, ông cảm thấy “nhẹ lòng hơn” khi suốt những ngày vừa qua đã cùng Bộ Nội vụ cố gắng giải quyết vướng mắc để ký ban hành một số nghị định do Bộ tham mưu. 

Đánh giá cao sự đoàn kết gắn bó trong lãnh đạo Bộ và tập thể Bộ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, để đoàn kết là điều không dễ. So với các bộ, ngành khác, Bộ Nội vụ được giao rất nhiều nhiệm vụ về thể chế, những nhiệm vụ rất khó, rất nhạy cảm, đơn cử như dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. 

Theo Phó Thủ tướng, công tác phối hợp của Bộ Nội vụ với các bộ, ngành khác và Sở Nội vụ địa phương rất tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Bộ năm qua. 

Lưu ý nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 là xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm, Phó Thủ tướng phân tích, việc này rất khó vì chúng ta mô tả vị trí việc làm cách làm hơi dồn dập. Theo lý thuyết, từ yêu cầu công việc để mô tả vị trí, nhưng bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh, số biên chế có mức độ, nên mô tả thế nào để không chồng chéo là vấn đề rất khó. 

“Chúng ta quyết tâm làm, không cầu toàn, vừa làm vừa điều chỉnh. Chúng ta cố gắng xong đề án vị trí việc làm trước 31/3, để tháng 4, 5, 6 sẽ làm phương án cải cách tiền lương và áp dụng từ 1/7/2024. Việc này cực kỳ khó, mong các đồng chí cố gắng”, Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Hiện nay, hầu hết địa phương không muốn thay đổi về cốt cách, văn hóa, lịch sử, truyền thống, tập quán... nên nếu không cố gắng sẽ không làm được. Phải làm kịp cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới, bởi nếu chưa có đơn vị hành chính mới, địa giới thì không tổ chức được. 

Cùng với đó, Bộ Nội vụ phải tuyển dụng theo phương thức mới kết hợp với thu hút và đãi ngộ nhân tài; tinh giản bộ máy nhưng phải nâng cao năng lực, hiệu quả gắn với chuyển đổi số, nhất là Đề án 06; làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo…

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp TTXVN

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, ngành Nội vụ đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đổi mới công tác quản lý công vụ, chính sách tiền lương và thi đua, khen thưởng, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương hoàn thành các nhiệm vụ, trong đó có Hà Nội.

Các khó khăn, vướng mắc của thành phố đều được Bộ Nội vụ hướng dẫn, giải quyết kịp thời như việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên… Quán triệt các chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm chỉ đạo hướng dẫn sâu sát, quyết liệt, kịp thời của các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ của Bộ Nội vụ, năm 2023, ngành Nội vụ Thủ đô đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tham mưu triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Đáng chú ý là việc xây dựng và triển khai đề án phân cấp, ủy quyền theo đúng tinh thần chủ trương Nghị quyết 04-NQ/CP của Chính phủ. Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Thành ủy là Trưởng ban. Qua nhiều vòng thảo luận, 2 cuộc họp Ban Chấp hành, 2 kỳ họp HĐND đã thông qua 2 nghị quyết phân cấp 16 lĩnh vực với 224 nhiệm vụ, ủy quyền thực hiện 617 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 242 thủ tục hành chính. Các quận, huyện đã tự chủ, tự thực hiện được các thủ tục hành chính, giải phóng được nguồn lực, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. 

Nhận thức công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong hệ thống chính trị. 

Trong giai đoạn 2023 - 2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, tại 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã, thành phố Hà Nội có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các địa phương, đơn vị, nghiên cứu kỹ các tác động có thể ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thành phố đã xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trình Bộ Nội vụ. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, Hà Nội dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã (54 xã, 15 phường, 01 thị trấn).

Sau khi sắp xếp, thành phố sẽ thực hiện bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư, trụ sở, tài sản công tương đối lớn. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cơ bản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành phố tập trung thực hiện tốt  các nhiệm vụ: triển khai có hiệu quả phương án luân chuyển cán bộ; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Chú thích ảnh
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thông tin về sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, Bộ đã tổ chức lại 5 tổng cục còn 1 tổng cục và tổ chức lại 4 tổng cục thành 7 cục và 2 vụ. Riêng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn giữ lại cơ cấu là tổng cục nhưng giảm 6 đầu mối.  

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ đã vận hành trơn tru, hiệu quả. Quá trình sắp xếp lại 4 tổng cục phải sắp xếp lại rất nhiều vị trí, nhưng qua cách làm dân chủ, công khai, cho đến nay không để xảy ra đơn từ. Điều đó là do có sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống và sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của Bộ Nội vụ, các cơ quan liên quan.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Trao Huân chương của Đảng, Nhà nước Lào tặng cán bộ Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc
Trao Huân chương của Đảng, Nhà nước Lào tặng cán bộ Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc

Lễ trao Huân chương của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát huy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Lào đã diễn ra trang trọng sáng 18/12, tại Trụ sở Bộ Nội vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN