Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế trong cả nước được phép hành nghề xây dựng. Hiệp hội được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho biết, trong thời gian vừa qua Hiệp hội đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu, phản biện các cơ chế chính sách, pháp luật quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể, Hiệp hội đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… Trong đó, nổi bật là kiến nghị sửa đổi việc phải có bảo lãnh thanh toán để bảo vệ nhà thầu, mang lại công bằng cho doanh nghiệp và xã hội.
Đồng thời, Hiệp hội cũng chủ động nghiên cứu, giới thiệu các công nghệ xây dựng tiên tiến cho hội viên; xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu trong khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp hội cũng đã tích cực hỗ trợ hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của các nhà thầu trong các tranh chấp hợp đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương vai trò của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam trong việc tập hợp sức mạnh của các doanh nghiệp xây dựng uy tín, thúc đẩy quá trình trao đổi, phổ biến tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ xây lắp cũng như đóng góp vai trò tích cực trong việc nâng cao tay nghề nguồn nhân lực thông qua các cuộc thi như “Thợ giỏi ngành xây dựng 2020”.
Hiệp hội cũng đã có nhiều kiến nghị, góp ý với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhằm xây dựng các chế độ, chính sách quản lý xây dựng, quy chế thầu phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước và với thực tế sản xuất kinh doanh.
Qua thực tế thăm, kiểm tra chất lượng nhiều công trình xây dựng lớn khác do các nhà thầu xây dựng Việt Nam thực hiện; thăm công trường dự án The Nine của Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu, thành viên của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam vào ngày 30/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, năng lực về công nghệ, trang thiết bị, con người của các nhà thầu xây dựng Việt Nam hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của các công trình quy mô lớn, đòi hỏi trình độ công nghệ cao.
“Trên cơ sở năng lực, kinh nghiệm sẵn có, các nhà thầu xây dựng cần liên tục tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả quản trị, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp và của cả ngành xây dựng Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp ngành xây dựng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ, điều kiện thuận lợi để phát triển. Hiện nay, tổng đầu tư xã hội của Việt Nam đạt xấp xỉ 34% GDP, trong đó đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70%. Điều này cho thấy khối lượng công việc của ngành xây dựng trong tương lai là rất lớn. Đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức lớn đối với các nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng trong nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cần phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được thời gian qua, tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời cũng là công cụ để quản lý chặt chẽ chất lượng đầu tư xây dựng. Hiệp hội phải là ngôi nhà chung của những nhà thầu xây dựng; tập hợp, phát huy sức mạnh tập thể và năng lực của từng doanh nghiệp thành viên.