Bày tỏ vui mừng gặp mặt Đoàn đại biểu, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, hiện nay cả nước có 13,4 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2011-2015, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, bố trí 136 nghìn tỷ đồng cho vùng dân tộc miền núi và chính sách dân tộc; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 136 nghìn tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được hoàn thiện, sản xuất phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% năm 2011 xuống còn 16,8%.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gặp gỡ các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phó Thủ tướng khẳng định, đạt được những thành tích trên có một phần không nhỏ đóng góp của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội; có ảnh hưởng rộng lớn đối với cộng đồng dân cư; có khả năng tác động, chi phối, tập hợp đồng bào. Đồng thời, người có uy tín luôn có bản lĩnh, uy tín và sức thuyết phục; tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Người có uy tín luôn tự lực tự cường, tham gia phát triển kinh tế, định canh, định cư, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng thôn, làng văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tình đoàn kết trong buôn, làng và giữa các dân tộc; tham gia hòa giải các vụ việc phức tạp, nảy sinh trong các gia đình dòng tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội nơi sinh sống. “Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người có uy tín tỉnh Bắc Giang”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá cao những đóng góp to lớn của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong 5 năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã vận động được gần 60.000 m2 đất để làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; tham gia gần 600 lượt hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân; nắm tình hình và chia sẻ thông tin, phối hợp với chính quyền bảo đảm an ninh trật tự vùng dân tộc…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu: Trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Giang tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín với đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bắc Giang cần chỉ đạo và quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách với người có uy tín; chú trọng việc bồi dưỡng, cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm thăm hỏi, động viên và kịp thời biểu dương, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu, đạt thành tích xuất sắc. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang tiếp tục phát huy và nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến trong đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình mong muốn người có uy tín cần nắm vững và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bản thân và gia đình người có uy tín luôn gương mẫu, thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân và các quy định của địa phương nơi cư trú; chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc để phản ánh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan. Bên cạnh đó, người có uy tín tham gia tổ hòa giải, giữ gìn an ninh, trật tự; vận động, giáo dục và giúp đỡ người vi phạm pháp luật để họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương…