Vẫn thiếu cơ chế phòng ngừa, hỗ trợ
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về trẻ em tiếp tục được tăng cường. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra, từng bước hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn vào cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Việc thực hiện quyền trẻ em, công tác bảo vệ, chăm sóc, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em... được thực hiện thông qua lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các phong trào. Các chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được một số địa phương chỉ đạo, bố trí ngân sách thực hiện. Năm 2019, kinh phí địa phương bố trí cho công tác trẻ em thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 8 tỉnh, thành phố bố trí dưới 500 triệu đồng; 11 tỉnh, thành phố bố trí từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; 18 tỉnh, thành phố bố trí từ 1 tỷ đổng đến dưới 2 tỷ đồng; 20 tỉnh, thành phố bố trí từ 2 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng; 6 tỉnh, thành phố bố trí từ 5 tỷ đồng trở lên.
Năm 2018, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tư vấn 27.407 trường hợp, hỗ trợ can thiệp 806 trường hợp. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tiếp nhận đơn thư công dân và tham gia tư vấn, xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng 41 vụ, trong đó gần 50% số vụ xâm hại trẻ em, hơn 30% vụ tranh chấp về nuôi con, giải quyết các vấn đề về Bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội. Năm 2018 vẫn phát hiện 1.356 vụ với 1.479 đối tượng xâm hại 1.358 trẻ em, trong đó có 1.087 vụ xâm hại tình dục, chiếm 80% tổng số vụ xâm hại. Tình trạng tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích vẫn ở mức cao, nhất là tai nạn giao thông và đuối nước; điển hình như trường hợp 8 em bị đuối nước tại thành phố Hòa Bình xảy ra chiều 21/3. Thực phẩm không an toàn xâm nhập bữa ăn trường học có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em và gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, bất cập lớn nhất trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là thiếu cơ chế phòng ngừa, hỗ trợ, chỉ tập trung can thiệp, xử lý khi xảy ra những vụ việc bức xúc. Bên cạnh đó, ngay cả khi xử lý những vụ việc hình sự xâm hại trẻ em, công tác tuyên truyền, răn đe, tổng kết để sửa đổi những quy định bất cập chưa được quan tâm đúng mức.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, nhận thức của gia đình và trẻ em về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em còn hạn chế, thiếu cập nhật, đặc biệt là kiến thức về kỹ năng phòng ngừa, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Muốn phòng ngừa, bảo vệ được trẻ em cần trang bị kiến thức, nhất là đối với trẻ em. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa kiến nghị cần bổ sung các loại sách về quyền trẻ em, biện pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại tình dục tại thư viện của các trường Tiểu học, Trung học cơ sở để tăng cường kiến thức cho học sinh, bởi không phải gia đình nào cũng có đầy đủ kiến thức về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát thực tế tại cơ sở, có quy trình xét xử thân thiện để trẻ em và gia đình mạnh dạn trình bày, dám tố cáo khi xảy ra các vụ việc liên quan đến trẻ em.
Nhất trí với việc tăng cường kiểm tra, giám sát do thực tế kỹ năng từ cơ sở còn rất hạn chế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị cần kiểm tra, giám sát, tập trung vào một số chuyên đề phòng chống đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt lưu ý ở các cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, địa bàn đông công nhân, người lao động.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức chỉ rõ: Mỗi năm có tới 2.000 trẻ em bị đuối nước; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu của người lớn… vẫn diễn ra, với nhiều câu chuyện nhức nhối trong xã hội. Trước những vụ việc bức xúc liên quan đến trẻ em, 17 cơ quan, tổ chức đầu mối theo Luật Trẻ em ở đâu, làm gì? ... là điều xã hội rất quan tâm. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới cần có sự chuyển biến, khẩn trương xử lý các vụ việc nóng chứ không thể chỉ nói chung chung.
Để làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, Phó Thủ tướng giao các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục... cùng các hội: phụ nữ, thanh niên thành lập các nhóm để hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em ở xã phường; kêu gọi các tổ chức xã hội, mạng xã hội tham gia để hình thành mạng lưới vận động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đồng thời hướng dẫn kỹ năng xử lý khi có vụ việc xảy ra.
Thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về trẻ em và các cơ quan liên quan cần tổ chức một số hội nghị chuyên đề rút kinh nghiệm, chia sẻ kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thảo luận những vấn đề mới như mô hình điều tra thân thiện, tòa án trẻ em; chú trọng phòng ngừa, ngăn chặn các vụ bạo hành ở nhóm trẻ mẫu giáo, tiểu học, tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục ở bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông; lưu ý tình trạng sử dụng chất hướng thần gây nghiện trong một bộ phận học sinh.
Nhắc đến vụ việc ngày 21/3 đã có 8 em nhỏ bị đuối nước ở Hòa Bình, Phó Thủ tướng trăn trở: "Có vấn đề cũ nhưng rất mới đó là phòng chống tai nạn đuối nước, không chỉ vụ việc 8 em nhỏ đuối nước ở Hòa Bình mới đây mà trước đó là nhiều vụ đuối nước ở miền Trung, Tây Nguyên rất đau xót, thương tâm. Cần có sự quyết liệt hơn nữa. Không chỉ dạy bơi cho trẻ mà phải có các cảnh báo ở những khu vực ao hồ, sông suối nguy hiểm"...